1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga muốn mở rộng chiến dịch quân sự ở Ukraine thêm 36 tháng?

Thành Đạt

(Dân trí) - Tình báo Đức đã đưa ra nhận định về kế hoạch của Nga trong chiến dịch quân sự tại Ukraine trong thời gian tới.

Nga muốn mở rộng chiến dịch quân sự ở Ukraine thêm 36 tháng? - 1

Các binh sĩ thuộc lực lượng Nga (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Báo Bild của Đức dẫn các nguồn tin tình báo cho biết, Nga đang xây dựng một kế hoạch tác chiến trung hạn mới, nhằm mở rộng chiến dịch quân sự ở Ukraine thêm 36 tháng với mục tiêu kiểm soát các thành phố lớn.

Theo Bild, các mục tiêu chiến lược của Nga cho đến cuối năm 2024 bao gồm việc kiểm soát hoàn toàn các tỉnh Donetsk và Lugansk cũng như một phần tỉnh Kharkov, kéo dài đến sông Oskil.

Tình báo Đức cho biết, các lực lượng Nga sau đó có kế hoạch kiểm soát các khu vực quan trọng ở các tỉnh Zaporizhzhia, Dnipropetrovsk và Kharkov vào cuối năm 2026, bao gồm các thành phố chiến lược Kharkov, Dnipro và Zaporizhzhia.

Báo cáo tình báo Đức cho thấy, trước mắt Nga chưa có kế hoạch tiến vào Kherson hoặc Odessa.

Nga mong muốn kiểm soát các vùng lãnh thổ ở tả ngạn sông Dnipro, coi dòng sông này là mặt trận mới của cuộc xung đột. Quân đội Nga được cho là sẵn sàng chịu thương vong lớn.

Báo cáo của tình báo Đức chỉ ra rằng Moscow kỳ vọng vào việc phương Tây giảm bớt sự ủng hộ dành cho Ukraine và các "cuộc đàm phán hòa bình" chỉ nhằm mô phỏng mong muốn hòa bình. Theo báo cáo, Điện Kremlin không có ý định đình chiến.

Trước đó, Bild dẫn nguồn tin cho biết, mặc dù tuyên bố ủng hộ Ukraine đến cùng, nhưng ở phía sau, Mỹ và Đức muốn thúc đẩy chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiến tới đàm phán với Nga.

Tuy nhiên, Washington và Berlin không có ý định gây sức ép trực tiếp buộc Tổng thống Zelensky ngồi vào bàn đàm phán. Thay vào đó, họ dựa vào việc viện trợ quân sự, cụ thể chỉ cung cấp cho Kiev những vũ khí vừa đủ để giữ chiến tuyến nhưng không thể tạo đột phá.

Nguồn tin của Bild cho biết thêm, phương Tây cũng đưa ra kế hoạch B trong trường hợp Moscow và Kiev không đồng ý nối lại đàm phán. Kế hoạch này là đóng băng cuộc xung đột mà không có bất cứ thỏa thuận chính thức nào giữa Nga và Ukraine.

Thông tin xuất hiện giữa lúc có nhiều đồn đoán rằng phương Tây đang gây sức ép lên Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga và chấp nhận những nhượng bộ nhất định.

Tuy nhiên, giới chức phương Tây đã bác bỏ và nhấn mạnh bất cứ cuộc hòa đàm nào với Moscow phụ thuộc vào quyết định của Kiev.

Tổng thống Zelensky cũng cho biết chính quyền của ông không chịu sức ép từ bất cứ đồng minh nào về việc phải đàm phán với Nga.

Tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Zelensky đã ký sắc lệnh bác bỏ đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Ukraine bắt đầu phản công từ tháng 6. Tuy nhiên, bất chấp viện trợ dồi dào từ phương Tây, Ukraine không đạt được bước tiến đáng kể nào sau hơn 2 tháng phản công.

Washington Post cảnh báo, việc Ukraine không đạt được thành công mang tính quyết định trên chiến trường làm dấy lên lo ngại rằng xung đột sẽ rơi vào bế tắc và sự ủng hộ của các đồng minh cho Kiev cũng suy giảm. Khi đó, những lời kêu gọi Mỹ cắt giảm viện trợ cho Ukraine sẽ càng chiếm ưu thế, đặc biệt khi cuộc bầu cử tổng thống ngày càng gần.

Theo Yahoo News

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm