1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga muốn khẳng định tầm ảnh hưởng ở Trung Đông khi bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ

(Dân trí) - Nga dường như muốn thiết lập tầm ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông thông qua việc chuyển giao hệ thống phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp sự phản đối của Mỹ.

Nga muốn khẳng định tầm ảnh hưởng ở Trung Đông khi bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ - 1

Lô hàng đầu tiên của hệ thống S-400 được Nga chuyển tới sân bay Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Reuters)

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay 16/7 thông báo máy bay thứ 10 của Nga chở các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 đã tới thủ đô Ankara. Quá trình vận chuyển hệ thống S-400 đầu tiên từ Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ ngày 12/7 với sự trợ giúp của các máy bay vận tải. Quá trình này dự kiến hoàn tất trước tháng 4 năm sau, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cử thêm các chuyên gia tới Nga để đào tạo việc vận hành hệ thống S-400.

“Số lượng (chuyên gia) hiện tại chưa đủ. HIện mới có khoảng 100 chuyên gia, nhưng con số này có thể tăng lên gấp 10 lần. Thổ Nhĩ Kỳ không chuẩn bị cho chiến tranh. Các hệ thống phòng thủ tên lửa này nhằm bảo đảm hòa bình và an ninh cho đất nước của chúng tôi. Chúng tôi đang có những bước đi để cải thiện năng lực quốc phòng”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu hôm 14/7.

Nga cho biết “Rồng lửa” S-400 đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập mối quan hệ hợp tác về kỹ thuật quân sự giữa Moscow và các nước Trung Đông khác. Người đứng đầu ủy ban đối ngoại hạ viện Nga Leonid Slutsky gọi thương vụ S-400 với Thổ Nhĩ Kỳ là “phát súng đầu tiên” đánh dấu vai trò của Nga trong khu vực.

“Thổ Nhĩ Kỳ mới là dấu hiệu đầu tiên. S-400 và một hệ thống vũ khí hiện đại hơn từ Nga chắc chắn sẽ hiện diện tại khu vực. Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ, tiềm năng hợp tác rất lớn. Tôi tự tin rằng chúng tôi có thể tăng cường hợp tác lĩnh vực này”, ông Slutsky cho biết.

Nga từ lâu đã nhận ra rằng tầm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Trung Đông chủ yếu được thiết lập nhờ vào các trang thiết bị quân sự của Washington. Mặc dù không thể cạnh tranh với Mỹ về mức độ hiện diện quân sự cũng như các hợp đồng thiết bị quân sự, song Nga cũng từng bước lấp đầy khoảng cách trong khu vực bằng việc bán các vũ khí và thúc đẩy quan hệ đối tác kỹ thuật quân sự với các nước.

Đối với một số nước trong khu vực, chẳng hạn Ai Cập và Iraq, Nga đã đề xuất các giải pháp để giảm bớt sự phụ thuộc về chính trị - quân sự của những nước này vào Mỹ. Đối với một số nước khác, chẳng hạn Ả rập Xê út, các thỏa thuận quân sự với Nga là quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với Mỹ để các nước này có thể nhận được các hợp đồng tốt hơn. Trong khi đó, các nước còn lại lựa chọn phương án bắt tay với cả Nga và Mỹ.

Cận cảnh lô “Rồng lửa” S-400 đầu tiên Nga chuyển cho Thổ Nhĩ Kỳ

Pavel Luzin, một nhà phân tích về chính sách đối ngoại và quốc phòng Nga, nhận định S-400 là một công cụ trong chính sách đối ngoại của Nga.

“Nga tìm cách đóng vai trò như một quyền lực mới trong quan hệ quốc tế. Việc cung cấp các tên lửa đất đối không tầm xa (S-400) cho phép Moscow thiết lập hoặc duy trì hợp tác lâu dài với các khách hàng như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ. Đối với các nước khác như Qatar, Ai Cập, một thỏa thuận mua bán S-400 sẽ mang lại thêm các phương án khác và mở ra thêm cơ hội cho chính sách đối ngoại của họ. Vì vậy, Moscow tìm cách trao đổi với các nước này. Tuy nhiên, triển vọng của các thỏa thuận (S-400) mới còn phụ thuộc vào phản ứng của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Mỹ tạo đủ sức ép lên Thổ Nhĩ Kỳ, việc xuất khẩu S-400 càng trở nên khó khăn hơn”, nhà phân tích Luzin nói.

Khía cạnh quân sự của thỏa thuận S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng là chủ đề gây tranh cãi kể từ khi hai bên ký kết hợp đồng mua bán. Có 2 mối quan ngại chính liên quan tới thỏa thuận này xuất hiện trong nội bộ Nga và tại khu vực Trung Đông.

Mối quan ngại đầu tiên là Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng chính hệ thống S-400 để tấn công máy bay Nga nếu mối quan hệ gần gũi giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan chấm dứt và Moscow vượt qua lằn ranh đỏ của Ankara trong khu vực.

Mối quan ngại thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ có thể chuyển giao công nghệ S-400 cho Mỹ theo một thỏa thuận riêng giữa hai nước. Điều này sẽ cho phép Mỹ điều chỉnh lại thiết kế của máy bay nước này để chúng có thể đối phó hiệu quả hơn với hệ thống S-400 trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga.

Andrei Frolov, tổng biên tập tờ Eksport Vooruzheniy (Arms Export), bác bỏ cả hai giả thuyết trên.

“Các hệ thống (S-400) được Nga cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ là phiên bản xuất khẩu, khác rất nhiều so với phiên bản (S-400) được Nga sử dụng cho nước này. Ngoài ra, S-400 là hệ thống cũ và Nga đang phát triển một hệ thống hiện đại hơn”, ông Frolov nhận định.

Thành Đạt

Tổng hợp