NATO thành lập Hạm đội Biển Đen "phẩy", đối phó với Nga
Khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đang tăng cường hiện diện ở Biển Đen và có ý định thành lập Hạm đội Biển Đen của khối này.
Romania đưa ra ý tưởng về thành lập Hạm đội Biển Đen NATO
Ngày 22-4, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố rằng, Kiev ủng hộ nhiệt liệt sự tăng cường hiện diện của hải quân NATO trên Biển Đen và đang xem xét khả năng tham gia sáng kiến của khối này về việc thành lập Hạm đội Biển Đen của NATO.
Tuyên bố trong buổi họp báo sau cuộc gặp với tổng thống Romania, Tổng thống Ukraine nhấm mạnh, tình hình an ninh ở khu vực Biển Đen đã thay đổi đáng kể, đòi hỏi những giải pháp mới, đề xuất mới, phương pháp mới nhằm giữ gìn an ninh và ổn định ở khu vực này.
Ông Poroshenko nhấn mạnh, Ukraine cam kết hỗ trợ sáng kiến của Romania và sẵn sàng tham gia hạm đội chung trong khu vực Biển Đen, sau khi sáng kiến này được NATO chính thức phê duyệt, nhằm tạo ra một đối trọng mạnh mẽ với Hạm đội Biển Đen hùng mạnh của Nga.
Mặc dù chưa phải là thành viên NATO nhưng Ukraine cũng đang ráo riết chuẩn bị cho khả năng tham gia vào Hạm đội chung này bằng kế hoạch phục hồi lực lượng hải quân trong vòng 10 năm tới, đồng thời tích cực tham gia các cuộc tập trận trên biển của khối này.
Mới ngày 7-4 vừa qua, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức một cuộc tập trận chung Hải quân ở Biển Đen, nhằm để các tàu tập luyện khả năng tương tác trong khuôn khổ phối hợp chiến thuật đa quốc gia, theo tiêu chuẩn của NATO.
Lực lượng hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã cử tàu khu trục và tàu hộ tống của mình mang tên Salihreis và Bartyn ghé thăm cảng Odessa và tham gia cuộc tập trận cùng với chiến hạm mạnh nhất thuộc lớp Krivak III và cũng là kỳ hạm của hải quân Ukraine là chiếc Hetman Sahaidachny.
Hồi tháng 3, các cuộc diễn tập chung cũng đã được tổ chức tại biển Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi đó, tàu khu trục Hetman Sahaidachny cũng đại diện cho Ukraine. Các bên đã luyện tập khả năng phối hợp với nhau trong khuôn khổ liên minh phòng không và triển khai thông tin liên lạc.
Ý tưởng về việc thành lập Hạm đội Biển Đen NATO đã được giới chức lãnh đạo Romania đề xuất với các đối tác trong khối vào đầu năm nay. Theo đó, ngoài các nước thành viên nằm trong vùng biển này, Hạm đội Biển Đen “phẩy” sẽ mời thêm cả Hải quân Mỹ, Đức, Italia và Thổ Nhĩ Kỳ tham gia.
Lý do cần lập ra một hạm đội như vậy là vì Nga gia tăng hoạt động trong khu vực Biển Đen, đặc biệt là sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước này, đã tạo ra những thách thức và nguy cơ mới đối với các nước NATO trong vùng biển này.
NATO gia tăng hoạt động trong khu vực Biển Đen
Chưa rõ ban lãnh đạo NATO suy nghĩ gì về lời đề nghị này nhưng vào hồi tháng 2 vừa qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tuyên bố rằng Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương có kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự ở phía đông Địa Trung Hải và Biển Đen.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đưa ra tuyên bố trên khi chủ trì cuộc họp các Bộ trưởng 28 nước thành viên Khối đồng minh quân sự này ở Brussels. Đồng thời ông cũng cho biết, NATO có kế hoạch triển khai quân ở Đông Âu và các nước Baltic.
Ông Stoltenberg giải thích rằng, việc NATO tăng cường và mở rộng tiềm lực ở Biển Đen là cách mà khối này gia tăng sự hiện diện tuyến đầu của liên minh, nhằm đảm bảo khả năng tăng cường sức mạnh, nguồn lực của khối và tiến hành hoạt động giám sát tình báo trong khu vực này.
Theo một số nguồn tin, nếu NATO phê chuẩn việc thành lập một Hạm đội Biển Đen “phẩy” của khối này, Mỹ sẽ điều các chiến hạm của Hạm đội 6 làm lực lượng nòng cốt cùng với các tàu chiến khác của các đồng minh trong và ngoài khu vực Biển Đen, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngay sau những tuyên bố này, Hạm đội 6 đã điều các tàu hộ vệ, tàu khu trục vào hiện diện trong Biển Đen tham gia các cuộc tập trận chung của NATO trong khu vực biển này, nhằm ủng hộ sự quan ngại của các nước thành viên trước những hành động của Nga ở Ukraine.
Được biết, Hạm đội 6 của Mỹ đảm nhận nhiệm vụ giám sát gần một nửa Đại Tây Dương, cũng như các vùng biển Adriatic, Baltic, Barents, Caspian, Biển Bắc và Biển Đen. Các tàu chiến Mỹ thường xuyên thay nhau ra vào Biển Đen nhằm tránh vi phạm Công ước Montreux.
NATO cũng tuyên bố sẽ tăng cường khả năng phòng không trong khu vực Biển Đen bằng cách cân nhắc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở các nước trong khối, đặc biệt có thể là Ukraine, đồng thời điều động thêm các tàu khu trục phòng không/phòng thủ tên lửa Aegis của Mỹ hiện diện thường xuyên ở đây.
Những lá chắn phòng không trên biển của Mỹ được cho là nhằm đối phó với Trung tâm cảnh báo sớm tên lửa của Nga ở Crimea, kết nối với những trạm radar cảnh giới tầm xa Voronezh đặt ở khu vực miền Nam nước Nga như trạm Kranosdar hay trạm Armavir.
Nếu kế hoạch này được Khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương thông qua, có thể nhận định rằng, NATO đã mang “lửa” vào đặt trước cửa ngõ nước Nga, khiến tình hình khu vực biển này vốn đã vô cùng căng thẳng tiếp tục leo thang thành nguy cơ đối đầu quân sự.
Moscow nhất định sẽ đưa ra các động thái đáp trả mạnh mẽ, đồng thời đưa các vũ khí khủng đến tăng cường cho Crimea, không loại trừ đó có thể là các tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander và máy bay ném bom Tu-22M3 - hai loại vũ khí có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Theo Toàn Thắng
Đất Việt