Nga lý giải động cơ Mỹ trừng phạt viện nghiên cứu vắc xin Covid-19
(Dân trí) - Moscow cho rằng Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với viện nghiên cứu vắc xin Covid-19 của Nga nhằm nâng đỡ cho các công ty dược phẩm của Washington.
“Chúng tôi thấy phẫn nộ khi 3 viện nghiên cứu khoa học của Nga bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ. Một thực tế đặc biệt khó chấp nhận là các lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng trực tiếp tới các nhà khoa học và các chuyên gia, những người trong suốt nhiều tháng qua đã làm việc không mệt mỏi để phát triển vắc xin chống Covid-19 của Nga”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm nay 28/8 tuyên bố.
“Hiện chưa rõ chính phủ Mỹ sẽ giải thích như thế nào với người dân của họ về việc nỗ lực trừng phạt những người đang làm việc, và đã thành công, trong việc tìm ra phương pháp điều trị căn bệnh khiến hơn 180.000 người Mỹ thiệt mạng”, bà Zakharova nói thêm.
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra sau khi Bộ Thương mại Mỹ ngày 26/8 thông báo 5 viện nghiên cứu của Nga đã bị liệt vào danh sách trừng phạt, trong đó có Viện Nghiên cứu Khoa học Trung ương 48 thuộc Bộ Quốc phòng Nga. Đây là cơ sở nghiên cứu tham gia vào quá trình phát triển vắc xin ngừa Covid-19 của Nga cùng với Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Gamaleya.
Cơ quan của chính phủ Mỹ cáo buộc các viện nghiên cứu bị trừng phạt của Nga đang tham gia vào việc phát triển vũ khí sinh học và hóa học. Tuy nhiên, Washington không đưa ra bằng chứng cho cáo buộc này.
Đại dịch Covid-19 cho đến nay đã lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 24,6 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh, trong đó có hơn 836.000 người tử vong.
Mỹ hiện vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 6 triệu người mắc Covid-19 và hơn 184.000 người thiệt mạng. Trong khi đó, Nga là ổ dịch lớn thứ 4 thế giới với gần 17.000 người tử vong và hơn 980.000 ca nhiễm.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, việc Mỹ áp lệnh trừng phạt các viện nghiên cứu của Nga nhằm phục vụ mục đích hỗ trợ cho các công ty Mỹ, đặc biệt là các công ty dược phẩm.
Sputnik V, vắc xin Covid-19 đầu tiên của Nga, do Viện nghiên cứu Gamaleya tại Moscow và Bộ Quốc phòng Nga phát triển. Chính phủ Nga chính thức đăng ký Sputnik V vào ngày 11/8 và Nga cũng là nước đầu tiên trên thế giới cấp phép vắc xin Covid-19.
Bộ Y tế Nga khẳng định Sputnik V đã trải qua tất cả các bài kiểm tra cần thiết và được chứng minh là có khả năng sản sinh miễn dịch chống virus corona.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, việc Mỹ lấy lý do các viện nghiên cứu của Nga phát triển vũ khí sinh học và hóa học để áp lệnh trừng phạt các cơ sở này là hành động vô lý.
“Đây là sự tiếp nối của tâm lý ám ảnh trừng phạt. Chúng tôi bác bỏ hoàn toàn bất kỳ cáo buộc nào cho rằng một số tổ chức của chúng tôi có liên quan hoặc tham gia vào việc phát triển vũ khí hóa học và vi khuẩn học - điều này hoàn toàn vô lý”, ông Peskov nói.
Ông Peskov nhận định việc Mỹ áp lệnh trừng phạt các viện nghiên cứu của Nga là bằng chứng tiếp theo cho thấy “sự cạnh tranh công khai và không công bằng”.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin, Mỹ không thể “sống nổi nếu không có các lệnh trừng phạt, hoặc nếu một ngày trôi qua mà không tuyên bố áp lệnh trừng phạt hay hạn chế đối với nước khác”.
Sau khi Nga đăng ký vắc xin Covid-19, Mỹ và nhiều nước phương Tây đã hoài nghi mức độ an toàn và hiệu quả của vắc xin này. Nhiều ý kiến cho rằng Nga có thể đã đốt cháy giai đoạn khi chưa hoàn tất bước thử nghiệm trên hàng nghìn người. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ các nghi vấn này.