1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga lên tiếng về tiến trình hòa bình với Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Người phát ngôn Điện Kremlin tuyên bố Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, trong khi Kiev đề xuất công thức hòa bình.

Nga lên tiếng về tiến trình hòa bình với Ukraine - 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: Sputnik).

"Vẫn chưa có tiến triển trong bất kỳ tiến trình hòa bình nào. Các tiến trình đang diễn ra rất khó khăn với "công thức hòa bình" của (Tổng thống Ukraine Volodymyr) Zelensky", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 10/1.

"Một số quốc gia đang thảo luận về một "công thức hòa bình" nào đó mà không có sự tham gia của Nga. Một tiến trình rất kỳ lạ, nhưng không có gì nghiêm túc trong kế hoạch này", ông Peskov nói thêm.

"Trên thực tế, về mặt pháp lý, Kiev vẫn từ chối đàm phán. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt", người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh.

Năm 2022, Tổng thống Zelensky đã đưa ra công thức hòa bình 10 điểm nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Những điểm chính trong kế hoạch hòa bình của ông Zelensky gồm khôi phục toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Ukraine, Nga phải rút hết quân, đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực và an toàn hạt nhân, trả tiền bồi thường, cũng như thiết lập một nghị định thư về hòa bình giữa Kiev và Moscow.

Công thức hòa bình của Tổng thống Zelensky cũng kêu gọi Nga trao trả lại 4 vùng lãnh thổ mới sáp nhập cũng như bán đảo Crimea. Tháng 10/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh sáp nhập 4 vùng của Ukraine gồm Zaporizhia, Kherson, Donetsk và Lugansk.

Tuy nhiên, Moscow nhiều lần bác bỏ những yêu cầu này và tuyên bố hòa bình chỉ có thể đạt được nếu Ukraine trở thành quốc gia trung lập, từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, công nhận việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ từ Ukraine.

Tổng thống Zelensky cũng đã ký sắc lệnh không đàm phán với chính quyền Tổng thống Putin. Moscow nhiều lần cáo buộc sắc lệnh này đã cản trở hòa đàm giữa Nga và Ukraine.

Mỹ và các đồng minh phương Tây liên tục viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cho Kiev kể từ khi xung đột nổ ra. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng phương Tây bắt đầu hụt hơi, khó đáp ứng viện trợ lâu dài cho Ukraine.

Truyền thông Mỹ dẫn lời một số quan chức giấu tên cho hay, lãnh đạo Mỹ và châu Âu "đang âm thầm trao đổi với phía Ukraine về khả năng tiến hành các cuộc đàm phán với Nga nhằm chấm dứt xung đột".

Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky hôm 10/1 cho biết Ukraine không chịu sức ép từ các đồng minh về việc ngừng xung đột với Nga.

"Không có sức ép nào từ các đối tác về việc dừng các hoạt động phòng thủ của chúng tôi. Chưa có sức ép nào để đóng băng xung đột", ông Zelensky cho biết.

Ukraine cho đến nay vẫn tin rằng, đóng băng xung đột sẽ giúp Nga có thời gian tập hợp thêm lực lượng để tiến hành một chiến dịch tấn công thậm chí lớn hơn nữa. 

Ông Zelensky thừa nhận Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng hệ thống phòng không hiện đại để đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga.

"Sự không chắc chắn về hỗ trợ tài chính và quân sự của các đối tác dành cho Ukraine chỉ làm tăng thêm quyết tâm của Nga. Vì vậy, chúng ta không nên kéo dài quá trình này", ông Zelensky tuyên bố.

Theo Tass

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm