1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga lập trật tự thế giới mới từ Syria?

Chủ tịch Duma quốc gia Nga Aleksey Pushkov đã trả lời phỏng vấn báo Áo Die Presse về lý do Nga can dự vào cuộc xung đột quy mô lớn tại Trung Đông.

Xin giới thiệu với bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn để hiểu thêm về quan điểm của người trong cuộc (nguồn “Svobodnaia Pressa” Nga ngày 8/3/2016).

- Báo Die Presse: Nếu tính từ góc độ quân sự liệu Nga có đối mặt với nguy cơ bị sa lầy ở Syria như Mỹ tại Iraq hay không?

- Chủ tịch Duma quốc gia Nga Aleksey Pushkov: Nga không đưa bộ binh đến Syria. Nhiệm vụ của Nga (tại Syria) là hỗ trợ quân đội Syria và tất cả những ai chiến đấu chống IS.

- Báo Die Presse: Cũng như tôi, chắc Ngài thừa biết rằng cuộc chiến chống IS - không phải là mục tiêu duy nhất của Nga tại Syria. Nhiệm vụ (của Nga) còn là làm suy yếu tất cả những đối thủ của Assad.

- Ông Aleksey Pushkov: Chúng tôi ủng hộ Assad vì cho đến bây giờ ông ấy vẫn là Tổng thống hợp pháp của Syria, và ngoài lực lượng người Kurd ra, đấy còn là lực lượng duy nhất chống lại IS trên bộ.

Máy bay Nga hoạt động tại Syria.
Máy bay Nga hoạt động tại Syria.

- Báo Die Presse: Nga không kích Quân đội Syria tự do (FSA) và tất cả các lực lượng nổi dậy khác?

- Ông Aleksey Pushkov: Các trận địa của FSA xen kẽ và không phân biệt được với các trận địa của “Jabkhat an Nusra”. Nếu FSA không muốn trở thành mục tiêu tấn công đường không của Nga thì tổ chức này phải tách khỏi “an Nusra”, tham gia thỏa thuận ngừng bắn và tuyên bố là mình sẵn sàng chiến đấu chống IS.

- Báo Die Presse: Nga muốn dành cho Phương Tây một bài học tại Syria?

- Không. Nhưng chúng tôi không thấy có lý do phải đứng ngoài cuộc, nếu như Mỹ, nước trong suốt 20 năm qua tuy đã chiếm độc quyền trong việc giải quyết các vấn đề ở Trung Đông, nhưng đã không hoàn thành được một nhiệm vụ nào, chiếm đóng Iraq và hủy hoại toàn bộ khu vực (Trung Đông).

- Báo Die Presse: Nga bây giờ lấp khoảng trống mà Mỹ để lại tại Trung Đông chăng?

- Ông Aleksey Pushkov: Đấy không phải là khoảng trống mà là thảm họa. Thuật ngữ “khoảng trống” (nguyên văn – chân không-ND) là thuật ngữ mà các nhà chính trị học Phương Tây thích sử dụng. Đây là một cách nói lịch thiệp để diễn đạt là người Mỹ đã thất bại hoàn toàn. Lybia? Syria? Yemen? Người Mỹ đã đạt được những gì, ngoài sự hỗn loạn?

- Báo Die Presse: Và bây giờ thì đến lượt Nga.

- Ông Aleksey Pushkov: Chúng tôi cũng có trách nhiệm đối với an ninh của các đồng minh của mình ở Trung Á- Kazakhstan, Tajikistan và Kirgizstan. Đấy là “chỗ dưới bụng” (ý muốn nói điểm dễ bị tổn thương – nói theo cách nói của cố Thủ tướng Anh Churchill) hiện đang cũng bị IS đe dọa. Và đã đến lúc cần phải lập lại một trật tự nào đấy ở Trung Đông bị tàn phá.

-Báo Die Presse: Trật tự Nga tại Syria hiện diện ở đâu? Hiện tôi chưa thấy một trật tự nào như vậy?

- Ông Aleksey Pushkov: Trật tự ở Syria bị những nước khác phá vỡ (chứ không phải Nga-ND). Mỹ muốn lật đổ Assad. Năm 2012. Khi Tổng thống Mỹ B.Obama hiểu ra rằng cuộc đảo chính mà ông ta chuẩn bị để chống Assad sẽ không thành công, ông ấy cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, A rập- Xeut và Qatar ủng hộ các nhóm Hồi giáo cực đoan chống Tổng thống Syria. Chúng tôi can thiệp vào Syria khi mọi thứ đã trở nên rõ ràng là giải pháp quân sự mà Mỹ ưu tiên sẽ không có hiệu quả. Syria cần một giải pháp chính trị.

- Báo Die Presse: Nhưng làm sao có thể có thể có một tương lai hòa bình với một con người như Assad , kẻ đã gây ra cái chết của hàng trăm nghìn người?

- Ông Aleksey Pushkov: Phần lớn dân chúng ở Syria ủng hộ Assad . Giải pháp chính trị không thể được xây dựng trên điều kiện tiên quyết là phải lật đổ Assad, mà chỉ bằng cách đối thoại giữa chính phủ và phe đối lập.

Chiến dịch quân sự của chúng tôi đã làm thay đổi cán cân lực lượng, thiết lập sự cân bằng ở Syria và tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị.

- Báo Die Presse: Một phép biện chứng rất thú vị - nước Nga tiến hành chiến dịch quân sự để thiết lập hòa bình?

- Ông Aleksey Pushkov: Chúng tôi tiến hành chiến dịch quân sự vào thời điểm mà Syria đã chìm trong lửa. Nếu không có Nga, thì hiện nay tại Syria đã không có ngừng bắn, không có đàm phán đối thoại, còn “Jabkhat an Nusra” và IS đã chia nhau Damascus rồi. Vâng, sẽ không đơn giản để duy trì ngừng bắn, có những kẻ chống đối (thỏa thuận ngừng bắn), nhưng chỉ có thể đạt được các giải pháp chính trị sau khi các hoạt động chiến sự chấm dứt.

- Báo Die Presse: Một công dân Nga bình thường sẽ có lợi gì, nếu Nga bắt đầu giữ “một vai trò lớn" (trong ngoặc kép) trên trường quốc tế?

- Ông Aleksey Pushkov: Ông có thể bỏ cái ngoặc kép đó đi. Nga đã giữ một vai trò lớn. Nếu IS bị suy yếu, và tốt hơn nữa – bị tiêu diệt, thì điều đó sẽ làm cho an ninh của Nga tốt hơn. Bởi vì trong trường hợp IS mạnh lên, mối đe dọa đối với Nga cũng sẽ gia tăng. Tại Bắc Kavkaz chúng tôi đã bắt giữ một số nhóm tuyên thệ trung thành với IS.

- Báo Die Presse: Nhưng Syria không nằm trong khu vực những "lợi ích cốt lõi" của Nga.

- Ông Aleksey Pushkov: Không nhẽ các cuộc ném bom ở Lybia cũng có liên quan tới “những lợi ích cốt lõi “ của Mỹ? Không phải như vậy. Sự hỗn loạn đẫm máu và chủ nghĩa khủng bố mạnh lên ở Syria, dĩ nhiên là nguy hiểm đối với chúng tôi.

Ngoài ra, Nga- cường quốc thế giới, và chính vì vậy mà chúng tôi có trách nhiệm đối với hòa bình thế giới. Hiện nay Nga, cùng với Mỹ và Trung Quốc, là một trong ba lực lượng có thể ra các quyết định độc lập ở quy mô toàn cầu. EU (Liên minh Châu Âu) phụ thuộc vào Mỹ.

- Báo Die Presse: Điều gì sẽ xảy ra nếu chiến lược của Nga tại Syria không đem lại hiệu quả? Nga có kéo dài chiến dịch ném bom tới 3 năm nữa không?

-Ông Aleksey Pushkov: Khi bắt đầu một chiến dịch quân sự, không thể nói trước thời điểm kết thúc. Chúng tôi muốn quyét sạch bọn khủng bố tại Syria.

- Báo Die Presse: Chiến lược của Nga gắn chặt với một tiến trình chính trị rất ít có khả năng thực hiện.

- Ông Aleksey Pushkov: Tuy nhiên chiến lược của một tay chơi lớn khác, như Mỹ cũng gắn liền chính với tiến trình chính trị. Mỹ biết rằng: nếu như họ thất bại ở Syria, họ sẽ bị mất hình ảnh là một dân tộc không thể thay thế. Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry trong những tháng gần đây không làm gì khác ngoài việc này (xử lý các vấn đề Syria). Chính tại Syria sẽ giải quyết vấn đề về tương lai của một trật tự thế giới mới. Đấy không chỉ là một cuộc xung đột cục bộ.

- Báo Die Presse: Nga cũng phải nhận ra vấn đề này. Mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn toàn bị vỡ vụn.

-Ông Aleksey Pushkov: Người Mỹ sẽ phản ứng như thế nào, nếu như máy bay quân sự của họ bị bắn hạ? Tất cả đều biết rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang thực thi một chính sách đối ngoại vô trách nhiệm. Người Mỹ đã cảnh báo Ankara là họ sẽ không hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này đưa quân vào Syria. NATO cũng giữ khoảng cách với Thổ. Tại nhiều thủ đô các nước Châu Âu nhiều người đang quan ngại là Erdogan sẽ kéo NATO vào một cuộc chiến tranh.

- Báo Die Presse: Có tồn tại nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria hay không?

- Như ông đã thấy, Nga hành xử rất có trách nhiệm sau khi Thổ Nhĩ Kỳ vô cớ bắn hạ Su-24 của Nga, còn những phiến quân có liên hệ với Thổ Nhĩ Kỳ bắn chết phi công Nga khi đang nhảy dù. Chúng tôi đã áp dụng các biện pháp chính trị cứng rắn, nhưng không dẫn tới xung đột quân sự. Rất tiếc, Thổ Nhĩ Kỳ đã không thể hiện một cách hành xử có trách nhiệm như vậy.

- Báo Die Presse: Có phải vì thế mà người Mỹ đấy nhanh việc thiết lập chế độ ngừng bắn để không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ và A rập Xeut tiến hành chiến dịch quân sự trên bộ và ngăn cuộc xung đột quân sự giữa các nước này với lực lượng vũ trang Nga ở Syria hay không?

- Ông Aleksey Pushkov: Đấy có thể là một phần trong những tính toán của người Mỹ. Tuy nhiên, trong tiến trình soạn thảo dự án ngừng bắn thì phía Nga tham gia tích cực nhất. Nếu không có chúng tôi thì đã không có ngừng bắn. Chúng tôi không muốn cuộc xung đột leo thang và lan rộng.

- Báo Die Presse: Như vậy, nếu xảy ra một cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, thì ngay lập tức NATO sẽ bị kéo vào một cuộc xung đột như vậy.

- Ông Aleksey Pushkov: Tôi không nghĩ là một cuộc đối đầu như vậy có thể xảy ra. Còn những gì liên quan đến NATO, hiện giờ khối này đang đứng bên lề các sự kiện ở Syria.

- Báo Die Presse: Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ — thành viên NATO.

- Ông Aleksey Pushkov: Nhưng tôi chưa nghe thấy bất cứ một tuyên bố nào về việc NATO sẽ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột Syria. Và đa số người châu Âu không tham gia vào các sự kiện ở Syria.

Theo Lê Hùng (dịch và giới thiệu)

Đất Việt