1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga “không thể tha thứ” cáo buộc của Anh nhằm vào Tổng thống Putin

(Dân trí) - Điện Kremlin tuyên bố việc Anh cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như có liên quan tới vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang là hành động “gây sốc và không thể tha thứ”.

Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: Getty)
Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: Getty)

“Chúng tôi đã nhiều lần ra tuyên bố ở các cấp khác nhau rằng Nga không có bất kỳ liên quan gì tới vụ việc này. Bất kỳ sự đề cập nào tới tổng thống của chúng tôi (liên quan tới vụ cựu điệp viên Skripal) đều là sự vi phạm gây sốc và không thể tha thứ đối với các quy tắc hành xử ngoại giao”, RT dẫn lời Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov nói ngày 16/3.

Tuyên bố trên của Điện Kremlin được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói rằng cựu đại tá tình báo Nga Sergei Skripal bị đầu độc ở Anh có khả năng cao là do lệnh của Tổng thống Putin.

“Chúng tôi cho rằng nhiều khả năng đó là quyết định của Tổng thống Putin chỉ đạo việc sử dụng chất độc thần kinh trên đường phố Anh, trên đường phố châu Âu lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai”, Ngoại trưởng Johnson nói với các phóng viên.

Tuy nhiên ông Johnson khẳng định Anh không chống lại người Nga và sẽ cũng không có hiện tượng bài Nga sau những chuyện đã xảy ra.

Thư ký báo chí Điện Kremlin nhấn mạnh tuyên bố của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Anh là một “sai lầm ngoại giao”, đồng thời cho biết Nga vẫn đang cảm thấy khó hiểu với cách hành xử của giới chức Anh liên quan tới cuộc khủng hoảng Skripal.

“Thành thực mà nói, trong quan hệ quốc tế chúng tôi chưa bao giờ gặp phải cách hành xử ở cấp nhà nước mà những lời cáo buộc rất nghiêm trọng được đưa ra nhằm vào một quốc gia khác, cụ thể trong trường hợp này là đất nước chúng tôi, với những lời lẽ như “rõ ràng”, “nhiều khả năng”,… Cách tiếp cận như vậy không chỉ đi ngược lại luật pháp quốc tế mà còn trái với nhận thức chung”, ông Peskov nói thêm.

Thư ký báo chí Điện Kremlin tin tưởng rằng “không sớm thì muộn phía Anh cũng sẽ phải trình ra bằng chứng cụ thể (về sự liên quan của Nga tới vụ Skripal), ít nhất là cho các đối tác của Anh (như Pháp, Đức, Mỹ) - những nước tuyên bố đứng phía về Anh trong vụ việc này”. Trước đó, Nga đã yêu cầu Anh cung cấp các tài liệu cũng như mẫu chất độc nghi được sử dụng để mưu sát cựu điệp viên Nga, song London không đáp ứng đề nghị này của Moscow.

Hai cha con cựu điệp viên Nga Sergei Skripal (Ảnh: ABC News)
Hai cha con cựu điệp viên Nga Sergei Skripal (Ảnh: ABC News)

Cựu đại tá tình báo Nga Sergei Skripal và con gái Yulia vẫn đang ở trong tình trạng nguy kịch sau khi được phát hiện bất tỉnh nhân sự trên ghế băng bên ngoài trung tâm mua sắm ở thành phố Salisbury, Anh hồi đầu tháng 3. Giới chức Anh xác định loại chất hóa học từ thời Liên Xô có tên Novichok chính là chất độc thần kinh dùng để hạ độc cha con ông Skripal. Thủ tướng Anh Theresa May đã đổ lỗi cho Nga đứng sau vụ việc này.

Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko cho biết Anh đã cố tình giấu nhẹm các thông tin chi tiết liên quan tới vụ Skripal trong khi vẫn một mực đổ lỗi cho Nga.

“Phía Anh liên tục giấu báo cáo y tế (về sức khỏe của cha con ông Skripal) cho chúng tôi. Chúng tôi không được tiếp cận với các bệnh nhân và chúng tôi cũng không có cơ hội nói chuyện với các bác sĩ. Thậm chí không có ai công bố ảnh (của cha con ông Skripal). Họ có thể vẫn đang sống, hoặc có thể không còn sống, hoặc có thể không có chuyện gì xảy ra với họ”, Đại sứ Yakovenko nói.

Sau cáo buộc của Thủ tướng May, Anh đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga và áp dụng hàng loạt biện pháp trừng phạt Nga. Trong khi đó, Moscow cũng tuyên bố sẽ sớm có các hành động đáp trả.

Ông Sergei Skripal, 66 tuổi, từng là phục vụ trong Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU), bị bắt vào năm 2004 và kết án 13 năm tù vì tội hoạt động gián điệp cho Anh. Ông Skripal sau đó được phóng thích và được phép tị nạn ở Anh sau cuộc trao đổi gián điệp lớn nhất trong lịch sử giữa Nga và Mỹ vào năm 2010.

Thành Đạt

Tổng hợp