1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga không ngừng chiến dịch quân sự, NATO ra điều kiện kết nạp Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Nga khẳng định sẽ không từ bỏ các mục tiêu của "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Trong khi đó, NATO nêu rõ, Ukraine phải thắng Nga trước khi gia nhập liên minh.

Nga không ngừng chiến dịch quân sự, NATO ra điều kiện kết nạp Ukraine - 1

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: Reuters).

Phát biểu trên kênh truyền hình Channel One ngày 28/6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga không thay đổi các mục tiêu đặt ra với "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.

"Tổng thống vài ngày qua đã đánh giá rất rõ tình hình hiện nay, đặc biệt nhấn mạnh rằng chúng ta đã ngăn chặn thành công vụ nổi loạn (của Wagner) mà không phải đưa ra nhượng bộ dù nhỏ nhất liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt, không mất bất cứ vị trí nào trên chiến trường. Nga sẽ không từ bỏ các mục tiêu đã đề ra", ông Lavrov nói.

Ông cũng nhấn mạnh, Moscow sẽ không thay đổi cách tiếp cận đối với việc tiến hành hoạt động quân sự ở Ukraine chừng nào phương Tây còn tiếp tục gây mối đe dọa cho an ninh của Nga, tuồn vũ khí vào Ukraine hay coi việc "phá hủy mọi thứ của người Nga ở Ukraine là mục tiêu".

Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hiện không có cơ sở để bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình chấm dứt xung đột với Ukraine.

"Về khía cạnh đàm phán trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine, chúng tôi có thể nhắc lại một lần nữa: hiện tại, không có điều kiện tiên quyết nào cho khả năng như vậy", ông Peskov nêu rõ.

Ông cũng nói rằng, Điện Kremlin không nắm được bất cứ thông tin liên quan tới kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine vào tháng 7.

Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine từ cuối tháng 2/2022 với tuyên bố nhằm "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" quốc gia láng giềng.

Moscow nhiều lần tuyên bố, chiến dịch này chỉ chấm dứt khi Ukraine đồng ý khôi phục tình trạng trung lập, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không tìm cách gia nhập các liên minh, trong đó có NATO và EU.

Ukraine từ lâu đã theo đuổi mục tiêu trở thành thành viên của NATO - liên minh quân sự gồm 31 thành viên do Mỹ dẫn dắt. Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO ngày 28/6 nêu rõ, bất cứ cuộc đàm phán nghiêm túc nào về việc kết nạp Ukraine chỉ diễn ra sau khi xung đột ở Ukraine kết thúc.

"Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là đảm bảo Ukraine giành chiến thắng với tư cách một quốc gia độc lập, có chủ quyền ở châu Âu. Nếu Nga chiến thắng, sẽ không có bất cứ cuộc thảo luận nào về vấn đề kết nạp Ukraine", ông Stoltenberg nhấn mạnh.

Ông Stoltenberg cho biết, chiến thắng của Ukraine được coi là "điều kiện tiên quyết cho bất cứ đàm phán nào về tư cách thành viên cho Kiev trong tương lai".

Người đứng đầu NATO cho hay, liên minh này đang nỗ lực giúp Ukraine đạt được khả năng tương tác đầy đủ với các lực lượng NATO và  cũng tăng cường quan hệ chính trị với Kiev.

Trước đó, ông Stoltenberg tiết lộ, các nhà lãnh đạo NATO sẽ không gửi thư mời Ukraine tham dự hội nghị thượng đỉnh của khối ở Vilnius, Lithuania vào giữa tháng 7 tới. Tuy nhiên, ông Stoltenberg khẳng định, NATO sẽ thảo luận cách thức đưa Ukraine tiến gần hơn tới liên minh quân sự này.

Theo TASS, RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm