1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga khoe tên lửa "mạnh nhất thế giới" có thể phóng vào tiểu hành tinh

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga cho biết tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat của nước này có thể được sử dụng cho mục đích phòng thủ vũ trụ nếu cần thiết vì nó có khả năng phóng vào các tiểu hành tinh.

Nga khoe tên lửa mạnh nhất thế giới có thể phóng vào tiểu hành tinh - 1

Tên lửa Sarmat (Ảnh: Eurasian Times).

Eurasian Times đưa tin, Tổng Giám đốc Trung tâm Tên lửa Nhà nước Makeyev Vladimir Degtyar - nhà khoa học tên lửa hàng đầu của Nga tiết lộ, tên lửa RS-28 Sarmat sở hữu khả năng bắn vào các tiểu hành tinh di chuyển gần trái đất nếu cần thiết để làm chệch hướng bay của chúng.

Hồi tháng 9, Tàu vũ trụ DART của NASA (Mỹ) đã đâm thành công vào một tiểu hành tinh trong thử nghiệm phòng thủ từ xa đầu tiên trên thế giới. Mục tiêu của NASA là nhằm thay đổi quỹ đạo của tiểu hành tinh Dimorphos để làm chệch hướng bay của vật thể không gian này. Tiểu hành tinh này không tiến tới đủ gần quả địa cầu để gây ra mối đe dọa, nhưng NASA chọn nó làm "ứng viên" để thử nghiệm kỹ thuật mới để một ngày nó có thể giúp ngăn chặn các "tiểu hành tinh nguy hiểm có thể lao vào Trái đất".

Ông Degtyar cho biết, tên lửa Sarmat ban đầu được thiết kế và phát triển cho mục đích quân sự. Vai trò "chống tiểu hành tinh" của nó chỉ là phụ do chi phí quá cao và có thể lãng phí vì khả năng xảy ra va chạm giữa tiểu hành tinh với Trái Đất là không cao.

RS-28 Sarmat là ICBM hạng nặng sử dụng nhiên liệu lỏng đặt trong giếng phóng của Nga có thể mang đầu đạn hạt nhân. Theo truyền thông Nga, Sarmat có khả năng mang đầu đạn MIRV nặng tới 10 tấn đến bất kỳ điểm nào trên thế giới qua Bắc Cực và Nam Cực.

MIRV hay công nghệ đa đầu đạn phân hướng ám chỉ việc Sarmat có thể phóng nhiều đầu đạn cùng lúc. Tùy thuộc vào chiến thuật, mỗi đầu đạn có thể tấn công các mục tiêu cách hàng trăm km.

Ngoài các đầu đạn, Nga nói rằng Sarmat có thể mang thiết bị phóng siêu vượt âm Avangard - vũ khí có tốc độ gấp khoảng hơn 27 lần tốc độ âm thanh. Đây được xem là yếu tố khiến nó trở thành một "thế lực" khó cản phá trong kho vũ khí Nga.

Bộ Quốc phòng Nga từng tuyên bố: "Sarmat là tên lửa mạnh nhất với tầm bắn lớn nhất trên thế giới. Nó sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang hạt nhân chiến lược Nga".

Tầm bắn của ICBM Sarmat là 18.000 km, trọng lượng phóng hơn 200 tấn, trong đó nhiên liệu là 178 tấn. Tên lửa có đường kính 3m và dài 35,5m.

Làm chệch hướng tiểu hành tinh

Nga thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Ông Sergei Karakaev, Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga, từng nói với kênh Zvezda rằng: "Quỹ đạo của Sarmat có khả năng thay đổi. Từ quỹ đạo ở Bắc Cực, nếu cần thiết nó có thể chuyển quỹ đạo sang Nam Cực. Và nó cũng có khả năng di chuyển theo những quỹ đạo khác, bao gồm khả năng phóng vào không gian".

Theo ông Karakaev, khi được phóng ra ngoài không gian, Sarmat có thể được sử dụng để làm chệch hướng tiểu hành tinh hay phòng thủ hành tinh.

Trong khi đó, nhà khoa học tên lửa Degtyar cho hay, tính năng phóng vào tiểu hành tinh của Sarmat đã được giới học giả nước này đem ra phân tích và mổ xẻ.

Nga đang nghiên cứu để thiết kế dòng "thiết bị đánh chặn" có thể nhắm mục tiêu vào các vật thể không gian cỡ nhỏ, với đường kính từ 10-100m.

Các cơ sở hạ tầng trên mặt đất của Nga hiện chỉ có thể theo dõi các vật thể không gian kích thước lớn lao tới trái đất, vào khoảng 5-7h trước khi va chạm có thể xảy ra. Vì vậy, Sarmat, với năng lượng cao, tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng cao và thời gian phóng ngắn, phù hợp với nhiệm vụ phóng vào tiểu hành tinh làm nó thay đổi quỹ đạo để ngăn một vụ va chạm với trái đất.

Trong diễn biến mới nhất, Nga xác nhận hoạt động sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat đã bắt đầu. Tên lửa này sẽ thành lực lượng nòng cốt để bảo vệ an ninh quốc gia Nga trong 40-50 năm tới và tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội Nga

Theo Eurasian Times