1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga huy động vũ khí từ thời Liên Xô cho cuộc chiến ở Ukraine

Trung Phạm

(Dân trí) - Theo ước tính, Nga đã mất khoảng 11.000 xe chiến đấu bọc thép cho cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Nga huy động vũ khí từ thời Liên Xô cho cuộc chiến ở Ukraine - 1

Đoàn xe bọc thép của Nga di chuyển dọc theo đường cao tốc ở Crimea, ngày 18/1/2022 (Ảnh: Reuters)

Thiếu hụt xe bọc thép trầm trọng 

Tháng trước, Karen Shakhnazarov - Giám đốc Mosfilm, hãng phim lớn nhất nước Nga đã đến gặp Tổng thống Vladimir Putin tại Điện Kremlin để trao tặng lại hàng chục xe tăng và xe bọc thép có từ những năm 1950.

Mosfilm đã sử dụng các xe bọc thép từ thời Liên Xô làm đạo cụ trong nhiều thập kỷ. Giờ đây, khi cuộc chiến tranh ở Ukraine đang vắt kiệt kho dự trữ vũ khí của Nga thì động thái trên của Mosfilm được xem như một cách để vị giám đốc hãng phim này chứng tỏ tinh thần yêu nước.

"Tôi được thông báo là quân đội cần đến chúng, vì vậy tôi đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga", Karen Shakhnazarov nói với ông Putin.

Việc trao tặng lại khoảng 50 chiếc xe chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu của Quân đội Nga nhưng rõ ràng nó là dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu hụt xe bọc thép trầm trọng như thế nào ở một trong những đội quân hùng mạnh nhất thế giới. 

Gần 3 năm chiến tranh ác liệt trên mặt trận kéo dài hơn 900 km đã gây ra những hậu quả khắc nghiệt trong khi các lệnh trừng phạt đã cắt đứt Nga tiếp cận với thiết bị phương Tây.

Theo ước tính của các quan chức và giới phân tích phương Tây, Nga đã mất hơn 11.000 xe chiến đấu bọc thép trong chiến tranh, gồm khoảng 3.600 xe tăng - tương đương với gần 15 năm sản xuất ở mức trước chiến tranh. Các nhà phân tích cho biết Nga chỉ còn khoảng 2.600 xe tăng dự trữ.

Những đợt bàn giao xe tăng mới ra tiền tuyến chủ yếu là các mẫu cũ lấy ra từ kho. Điều này đã làm cạn kiệt kho dự trữ và làm giảm chất lượng chiến đấu chung của lực lượng Nga. 

Một quan chức tình báo cấp cao Ukraine cho biết, số xe tăng này chắc chắn "phải được đưa đi tân trang, bảo dưỡng rồi cuối cùng mới tới công đoạn chuẩn bị cho nhiệm vụ chiến đấu. Tất cả những điều này đều cần phải có thời gian".

Nga huy động vũ khí từ thời Liên Xô cho cuộc chiến ở Ukraine - 2

Xe tăng Nga bị phá hủy gần làng Bohorodychne ở vùng Donetsk, Ukraine, ngày 13/2 (Ảnh: Reuters).

Trong suốt cuộc chiến, Nga đã thể hiện khả năng thích ứng trước sức kháng cự dữ dội từ phía Ukraine cũng như áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Hiện tại, họ vẫn đang phải làm như vậy một lần nữa để bảo toàn nguồn cung cấp xe bọc thép của mình. 

Nga đã thay đổi chiến thuật chiến đấu, đẩy mạnh nỗ lực tân trang thiết bị cũ và tăng chi tiêu quân sự. Hầu hết các nhà phân tích ước tính, với tốc độ sản xuất hiện tại, Nga chỉ có đủ xe tăng để sử dụng thêm 2 năm nữa.

Kho dự trữ hiện có của Moscow là di sản từ những năm cuối cùng thời kỳ Liên Xô khi nước này tăng cường sản xuất quốc phòng để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tiềm ẩn với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 

Năm 1991, Liên Xô khi đó đang sở hữu hàng chục nghìn xe tăng dự trữ cùng nhiều xe bọc thép với số lượng bằng cả phần còn lại của thế giới.

Những năm tiếp theo, nhiều xe trong số đó nằm phơi mình dưới thời tiết khắc nghiệt. Hàng nghìn chiếc được chuyển đi để xuất khẩu. Một số ít được nấu chảy để sản xuất những phương tiện khác. Phần lớn những gì mà Nga có sẵn ngày nay là từ những năm 1960 và 1970 và phải mất nhiều tuần bảo dưỡng mới hoạt động được.

Những chiếc xe do Mosfilm tăng lại cho Nga là do Bộ Quốc phòng Liên Xô trao cho họ vào những năm 1960. Hiện hãng phim này đang trả lại những gì họ được mượn, gồm cả 6 xe bọc thép chở quân và 36 xe tăng có từ thời kỳ ngay sau Thế chiến II.

Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ - một tổ chức nghiên cứu quốc phòng có trụ sở ở Moscow nhận xét: "Tổn thất thì không thể được bù đắp nhanh chóng. Vì bạn liên tục cần thêm nên phải ưu tiên số lượng hơn chất lượng".

Gồng mình chống đỡ

Năm 2022, ở những tháng đầu tiên của cuộc chiến, Nga kỳ vọng sẽ tiến hành một đợt tấn công nhanh chóng vào Kiev nên đã triển khai phần lớn kho vũ khí của mình đến Ukraine, gồm cả một số thiết bị hiện đại nhất của mình.

Tuy nhiên, lực lượng quân sự Ukraine đã thành công đáng kể khi sử dụng máy bay không người lái và tên lửa chống tăng tiêu diệt các xe bọc thép của Nga.

Đến cuối năm, dân thường Ukraine còn được mục sở thị những chiếc xe tăng Nga bị bắt hạ trưng bày tại các cuộc triển lãm ngoài trời ở một số thành phố.

Những thiết bị mà Nga thường mua từ phương Tây, như các bộ phận cơ khí chính xác hay kính ngắm xe tăng, thì giờ đây không thể tiếp cận được. 

Nga huy động vũ khí từ thời Liên Xô cho cuộc chiến ở Ukraine - 3

Một xe bọc thép của Nga bị phá hủy được trưng bày tại Kiev, tháng 8/2023 (Ảnh: AFP)

Nếu Ukraine tiếp tục nhận được viện trợ quân sự từ các nước đồng minh, nhiều quan chức của cả phương Tây và Ukraine đều cho rằng Nga sẽ hết phương tiện để tiếp tục cuộc chiến. 

"Họ chẳng còn lại gì", Giám đốc Tình báo Quân sự Ukraine Kyrylo Budanov cho biết hồi tháng 8/2023.  "Nga đã cạn kiệt nguồn dự trữ của mình".

Tuy vậy, Budanov đã đánh giá thấp quy mô thực sự kho dự trữ từ thời Liên Xô của Nga cũng như khả năng thích ứng của Moscow.

Để tránh lệnh trừng phạt, Nga đã sớm tìm đến nguồn cung từ nước thứ ba cho những bộ phận như vi mạch và thiết bị viễn thông của phương Tây. 

Công nghiệp quân sự Nga cũng đã mở rộng quy mô và nền kinh tế được định hướng lại dựa trên nhu cầu cấp thiết của chiến tranh. Chi tiêu quân sự Nga đã đạt mức cao nhất kể từ thời Liên Xô và dự kiến sẽ tăng lên hơn 120 tỷ USD trong năm tới, chiếm hơn 30% tổng chi tiêu.

Michael Gjerstad, chuyên gia theo dõi tình hình Quân đội Nga làm việc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), ước tính Nga hiện đang sản xuất xe tăng mới cũng như tân trang xe cũ ngang với tốc độ thiệt hại trên chiến trường - khoảng hơn 100 chiếc mỗi tháng.

"Đúng là có xảy ra tình trạng thiếu hụt nhưng chưa hẳn như hầu hết mọi người vẫn nghĩ", ông Gjerstad bày tỏ. "Khả năng tái thiết của Nga thực sự tốt hơn nhiều so với những gì tôi tưởng".

Bên cạnh đó, Nga cũng đã thay đổi chiến thuật trên chiến trường để chặn đà tổn thất về phương tiện quân sự. Quân đội Nga đã triển khai bộ binh hành tiến theo từng nhóm nhỏ và thường ngụy trang xe tăng sau các hàng cây để tấn công kẻ thù từ xa.

Chiến lược mới trên thực tế đã giúp Nga phần nào bảo toàn được lượng xe bọc thép đang ngày càng cạn kiệt của mình.