Nga hay Mỹ sẽ tháo ngòi nổ Trung-Ấn?
Vấn đề biên giới giữa Trung Quốc- Ấn Độ có thể lôi kéo cả Nga và Mỹ nhưng Điện Kremlin có ưu thế hơn Mỹ để giải quyết ổn thỏa.
Tờ Quan điểm của Nga mới đây có bài viết cho rằng Nga sẽ là quốc gia phù hợp nhất trong việc xử lý vấn đề biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ chứ không phải là Mỹ.
Viettimes dẫn lại các lập luận của tờ báo Nga cho rằng, Moscow đang đặc biệt quan tâm tới vấn đề biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ từ sau khi Ấn Độ gia nhập Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO).
Trung Quốc và Ấn Độ đều nhấn mạnh đến chủ quyền lãnh thổ của mình tại khu vực lâu nay đã luôn là điểm nóng.
Tờ báo Nga nhận định, Nga có thể phát huy vai trò quan trọng trên phương diện này bởi có kinh nghiệm xây dựng quan hệ tốt đẹp với hai nước Trung Quốc và Ấn Độ.
New Delhi và Bắc Kinh tin tưởng vào Moscow. Chính vì vậy, Nga có thể và cũng cần giúp đỡ Trung Quốc và Ấn Độ mở rộng hợp tác địa chính trị, thu hẹp mâu thuẫn, giải quyết tranh chấp, giảm thiểu bất mãn.
Nga luôn hy vọng duy trì quan hệ chiến lược với Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời xây dựng tam giác Moscow-New Delhi-Bắc Kinh trong tương lai để quyết định chiều hướng phát triển của Âu-Á và toàn thế giới.
Ba nước có thể xây dựng hệ thống an ninh công cộng ổn định ở châu Á, giải quyết vấn đề Afghanistan và các vấn đề khu vực khác.
Nếu tiến hành hợp tác với Iran và các nước Hồi giáo khác thì có thể cùng nhau đẩy các lực lượng quân sự bên ngoài ra khỏi châu Á, làm cho Mỹ và Anh không thể tiếp tục sử dụng các mâu thuẫn nội bộ khu vực để làm "con bài".
Mặc dù nhiệm vụ kết nối Ấn Độ và Trung Quốc trong cuộc tranh cãi về biên giới là to lớn và khó khăn, nhưng đối với Nga, nó hoàn toàn không phải là ảo tưởng.
Ba nước đóng vai trò quan trọng và triển khai hợp tác trong BRICS, từ năm nay đã trở thành đối tác của nhau trong tổ chức SCO.
Ấn Độ gia nhập SCO là một thử thách to lớn của Nga. Tương lai của SCO và quan hệ Nga-Ấn đều sẽ tùy thuộc vào quan hệ tam giác Nga-Trung-Ấn được xây dựng như thế nào.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh và New Delhi đều có đủ các nhà chính trị hiểu rõ hai bên làm đối tác tốt hơn là làm kẻ thù. Cho dù không giải quyết được tranh chấp thì họ cũng mong muốn làm dịu vấn đề.
Nói cách khác, một khả năng chiến tranh tại biên giới Trung-Ấn là điều chưa từng được tưởng tượng bởi chính các nhà lãnh đạo của hai quốc gia này. Đây cũng là một thuận lợi để Nga bước vào cuộc đàm phán hòa bình ở biên giới và vị trí của Nga ở khu vực sẽ được tăng lên.
Mỹ sẽ chỉ muốn kích động chiến tranh Ấn-Trung
Trong khi đó, tờ báo Nga cho rằng, Mỹ rất mong chờ Ấn Độ có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, giống như Anh ủng hộ đối đầu Ấn-Trung.
Việc Nga giành sự ảnh hưởng tới quan hệ Ấn-Trung chắc chắn sẽ đẩy Mỹ và đồng minh Mỹ ra khỏi các vấn đề ở châu Á.
Theo các chuyên gia chính trị-quân sự Mỹ cho rằng Washington chắc chắn sẽ không ngồi yên để nhìn "hai con hổ lớn đánh nhau".
Trong cuộc phỏng vấn kênh truyền hình TNN (Mỹ), ông Zack Cooper, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược cho rằng, Mỹ sẽ không can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột chính trị giữa hai quốc gia châu Á nhưng sẽ tận dụng để củng cố quan hệ với Ấn Độ.
“Tôi nghĩ rằng, Mỹ sẽ không can thiệp trực tiếp vào xung đột chính trị giữa hai quốc gia châu Á. Tôi cho rằng nếu căng thẳng Ấn Độ-Trung Quốc leo thang, đây sẽ là điều kiện rất tốt để Mỹ củng cố quan hệ hơn nữa với Ấn Độ” - ông Zack Cooper nói.
Theo vị chuyên gia, Mỹ đang muốn chống lại sự gia tăng quyền lực nhanh chóng của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đóng vai trò lớn giúp Mỹ thực hiện ý đồ. Điều này có nghĩa là, nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi xung đột quân sự với Ấn Độ, Bắc Kinh sẽ tự tạo ra một liên minh chống Trung Quốc.
Nếu xung đột biên giới giữa Trung Quốc-Ấn Độ nổ ra thành chiến tranh, Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện hải quân tại khu vực này, vị chuyên gia quân sự nhận định.
Mohan Malik, Giáo sư tại Trung tâm An ninh Châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, nếu Trung-Ấn diễn ra chiến tranh, Washington sẽ cung cấp kho vận, tình báo, trang thiết bị cho quân đội Ấn Độ.
Thậm chí, Lầu Năm Góc sẽ điều tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân tới khu vực này để giúp New Delhi giám sát hạm đội tàu chiến Trung Quốc.
Đô đốc Harry Harris thăm Ấn Độ giữa tranh chấp biên giới Ấn-Trung.
Hôm 12/8, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris khẳng định, Mỹ sẵn sàng cải thiện khả năng quân sự của Ấn Độ.
"Tôi tin rằng Mỹ sẵn sàng giúp Ấn Độ hiện đại hóa quân đội của họ. Ấn Độ đã được chỉ định là đối tác quốc phòng quan trọng của Hoa Kỳ. Đây là một tuyên bố mang tính chiến lược duy nhất ở Ấn Độ và Hoa Kỳ. Nó đặt Ấn Độ ở cùng mức độ mà chúng ta có nhiều đồng minh của hiệp ước của chúng ta" - Đô đốc Harry Harris nói với PTI.
Khi trả lời câu hỏi về khả năng Mỹ và Ấn Độ chia sẻ các thông tin về tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện ở Ấn Độ Dương, Đô đốc Harris từ chối trả lời trực tiếp vào câu hỏi mà chỉ nói: "Mối quan hệ gần gũi giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ rõ ràng là hữu ích cho Hoa Kỳ, và tôi cũng tin rằng có ích cho Ấn Độ".
"Tôi rất quan tâm, và rất ủng hộ, về những gì đang xảy ra ở Ấn Độ" - ông nói thêm và cho rằng cuộc đối đầu giữa Ấn Độ - Trung Quốc ở Doklam, vùng Sikkim, là một vấn đề đáng lo ngại, hai bên cần thúc đẩy giải quyết vấn đề này bằng con đường ngoại giao.
Theo Đông Phong
Báo Đất Việt