1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga – EU: Gia tăng hiềm khích

Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã kêu gọi thành lập lực lượng quân đội riêng của EU nhằm tăng cường an ninh cho khối này.

Lời kêu gọi đưa ra trong bối cảnh EU cũng như Mỹ đang bế tắc trong việc tháo gỡ “mớ bòng bong” Ukraine. Song thực tế, lời kêu gọi này lại cho thấy mâu thuẫn đang lớn dần lên trong nội tại của EU, cũng như gia tăng các mối hiềm khích với Nga.
 
Mối quan hệ Nga - EU đang đứng trước nguy cơ căng thẳng mới (Ảnh: RIA)
Mối quan hệ Nga - EU đang đứng trước nguy cơ căng thẳng mới (Ảnh: RIA)
 
Trả lời phỏng vấn tờ báo Đức Welt am Sonntag, ông Juncker cho biết, việc thành lập một lực lượng quân đội chung của Liên minh Châu Âu sẽ giúp khối này tránh được những đe dọa an ninh từ phía Nga, đồng thời có thể tự xây dựng một chính sách an ninh và đối ngoại chung một cách có hiệu quả. Ông Juncker cũng bác bỏ quan điểm cho rằng, việc thành lập lực lượng quân sự chung của EU sẽ trở thành thách thức đối với Khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tuy nhiên, ý tưởng của ông Juncker đã không nhận được sự đồng tình của một số thành viên trong Liên minh Châu Âu, đặc biệt trong đó có Anh. Anh cho rằng, đây là một ý tưởng “không có triển vọng” và nước Anh chưa có ý định tham gia vào liên minh quân sự này. Nhiều thành viên của Đảng đối lập tại nước Anh còn cho rằng, việc tạo ra một lực lượng quân đội chung của Liên minh Châu Âu sẽ là một “bi kịch” đối với khu vực cũng như đe dọa đến chủ quyền của mỗi một thành viên của khối này.

Những quan điểm trái ngược nhau về ý tưởng mà ông Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu đưa ra lại một lần nữa cho thấy những mâu thuẫn nội tại vẫn đang lớn dần lên trong khối này. Trước đó, tại cuộc họp của ngoại trưởng Liên minh Châu Âu diễn ra cuối tuần trước ở Latvia, EU đã cho thế giới thấy sự chia rẽ sâu sắc trong việc gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan đến vấn đề Ukraine. Nếu ý tưởng lực lượng quân đội chung được triển khai, nhiều  thành viên của EU e ngại  “hố ngăn cắt” trong quan hệ Nga – EU chắc chắn sẽ được khoét sâu hơn, làm tổn hại đến nhiều nền kinh tế trong Liên minh Châu Âu, vốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Ông Jonathan Steele, chuyên gia về các vấn đề quốc tế của tạp chí Người bảo vệ (Anh) cho rằng, EU cần cẩn trọng khi đưa ra các ý tưởng nhằm làm tổn hại tới quan hệ với Nga: “Hiện các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga cũng có những tác động ngược với một số nền kinh tế yếu trong EU. Nhiều nước như Đức, Pháp, Xlovakia.. vẫn đang e ngại khi quan hệ Nga – EU đang ngày càng xấu đi. Chính vì thế, Châu Âu cần phải cẩn trọng khi tiếp tục làm cho mối quan hệ này xấu hơn”.

Và những lo ngại này là tất yếu. Hãng tin Tass của Nga sáng nay (9/3), dẫn lời Ủy viên Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga, ông Franz Klintsevich bình luận về ý tưởng thành lập đội quân chung của châu Âu, cho biết một đội quân như vậy không giúp EU thực thi các chính sách đối ngoại và an ninh chung, mà chỉ có thể đóng vai trò khiêu khích. Và Nga sẽ không để cho các liên minh quân sự, dù của NATO hay bất cứ khối nào đe dọa đến an ninh của nước Nga.

Trong một động thái mới nhất, EU đã gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Nga thêm 6 tháng nữa. Đây được cho là dấu hiệu khá cứng rắn của EU đối với Nga. Các nhà phân tích cho rằng, việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt và gây hấn với Nga vào thời điểm này thì bên thiệt hại lớn nhất không ai khác ngoài EU./.
 
Theo Châu Anh/VOV- Trung tâm Tin