1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga được “minh oan” vụ tấn công hóa học ở Syria

(Dân trí) - Các chuyên gia y tế cho biết họ không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của một vụ tấn công bằng chất hóa học tại Đông Ghouta, Syria hồi tháng 1 mặc dù Mỹ từng đổ lỗi cho Moscow trong vụ việc này.

Các thành viên của tổ chức Lưỡi liềm Đỏ giúp sơ tán một người dân bị thương sau cuộc tấn công ở Damascus, Syria (Ảnh: AFP)
Các thành viên của tổ chức Lưỡi liềm Đỏ giúp sơ tán một người dân bị thương sau cuộc tấn công ở Damascus, Syria (Ảnh: AFP)

Các chuyên gia y tế thuộc tổ chức Lưỡi liềm Đỏ, những người hoạt động tại Đông Ghouta ở ngoại ô thủ đô Damascus, Syria trong nhiều năm, đã bác bỏ thông tin về một vụ tấn công bằng khí clo ảnh hưởng tới hơn 20 dân thường tại khu vực này hôm 22/1. Các bác sĩ nói rằng họ không tìm thấy dấu vết của việc sử dụng bất kỳ chất hóa học nào trong khoảng thời gian này.

“Vào thời điểm đó, bệnh viện của chúng tôi đã tiếp nhận 6 người bị nghi là gặp các vấn đề về hô hấp. Sau quá trình kiểm tra y tế, chúng tôi không phát hiện bất kỳ vấn đề nào cũng như không tìm thấy dấu hiệu nào của chất hóa học”, Seif Aldin Hobia, một thành viên của tổ chức Lưỡi liềm đỏ từng làm việc tại một bệnh viện trung tâm ở thị trấn Douma thuộc Đông Ghouta trong 7 năm, nói với các phóng viên. Đề cập tới các vụ việc xảy ra hồi tháng 1, ông Hobia khẳng định “không có bất kỳ bằng chứng nào liên quan tới việc sử dụng chất hóa học tại khu vực này”.

Ông Muhamad Adnan Tabazhu, một chuyên gia y tế khác của tổ chức Lưỡi liềm Đỏ, cũng đồng quan điểm với ông Hobia. Ông Tabazhu nói rằng các bác sĩ không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy các loại vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Đông Ghouta từ năm 2012-2018 khi ông làm việc tại khu vực này.

Những nhận định trên trái ngược hoàn toàn với các cáo buộc do Mỹ đưa ra trước đây. Hồi tháng 1, cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng tuyên bố “hơn 20 dân thường, phần lớn là trẻ em, là nạn nhân của một vụ tấn công bằng khí clo”. Ông Tillerson thậm chí còn nhận định vụ việc này tiếp tục làm “dấy lên những quan ngại nghiêm trọng rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học để tấn công chính người dân Syria”.

Cũng theo cựu Ngoại trưởng Mỹ, “bất kể ai là thủ phạm gây ra các vụ tấn công hóa học, Nga rốt cuộc cũng phải chịu trách nhiệm trước các nạn nhân ở Đông Ghouta và hàng loạt những người Syria khác bị tấn công bằng vũ khí hóa học kể từ khi Nga tham chiến tại Syria”.

Nga sau đó đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc của Mỹ, cho rằng đây là “một cuộc tấn công tuyên truyền quy mô lớn được thực hiện với mục đích bôi nhọ Nga trên trường quốc tế, đồng thời gây ảnh hưởng tới những nỗ lực giải quyết hòa bình các vấn đề tại Syria”.

Hôm qua 8/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục cảnh báo Nga và Syria sẽ phải trả giá đắt vì đã gây ra vụ tấn công bằng chất hóa học tại thị trấn Douma ở Đông Ghouta khiến ít nhất 70 người thiệt mạng. Cả Syria và Nga đều ngay lập tức bác bỏ các cáo buộc này và khẳng định đây là thông tin vu khống.

Theo Giám đốc Trung tâm Nga hòa giải các bên tham chiến ở Syria, ông Yuri Yevtushenko, chính các tổ chức gắn mác phi chính phủ độc lập, trong đó có Mũ bảo hiểm Trắng, đã tung tin giả mạo rằng các lực lượng vũ trang Syria thả một quả bom khí clo xuống Douma. Syria và Nga khẳng định mục đích của những lời cáo buộc là để bôi nhọ lực lượng chính phủ Syria và Nga đồng thời kích động các vụ tấn công nhằm vào quân đội Syria.

Thành Đạt

Theo RT