1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga dùng đòn cao đối phó châu Âu

Nga đã ra đòn cao tay khi dùng Hy Lạp, thành viên đang nhận nhiều viện trợ từ EU để thúc ép phương Tây xem xét lại các biện pháp trừng phạt.

Nga muốn đối thoại với EU

Ngày 30/5, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga cho biết Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker sẽ tham dự Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint Peterburg diễn ra từ ngày 16 đến 18/6 tới theo lời mời của phía Nga.

Theo ông Peskov, Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean Claude Juncker dự kiến sẽ có cuộc gặp riêng bên lề Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint Peterburg.

Ông Peskov khẳng định Nga hoan nghênh quyết định của ông Juncker tham dự Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint Peterburg; đồng thời nêu rõ Tổng thống Putin đã nhiều lần bày tỏ mong muốn đối thoại với EU.

Nga tuyên bố muốn đối thoại với EU thay vì trừng phạt hay đối đầu lẫn nhau.
Nga tuyên bố muốn đối thoại với EU thay vì trừng phạt hay đối đầu lẫn nhau.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Tổng thống Nga nhấn mạnh để khôi phục quan hệ giữa hai bên cần phải có thời gian và để khắc phục các bất đồng giữa hai bên cần phải đối thoại chứ không phải trừng phạt hay đối đầu lẫn nhau.

Trước đó, trả lời báo chí trước thềm chuyến thăm Hy Lạp, Tổng thống Putin cho rằng, Nga và EU có thể giải quyết được các khúc mắc hiện nay.

“Nga sẵn sàng đàm phán với EU trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng”, ông Putin nhấn mạnh.

Ông chủ điện Kremlin khẳng định, vị thế của EU trong các vấn đề của thế giới chỉ có thể được bảo đảm bằng cách phối hợp giữa tất cả các quốc gia ở châu Âu, EU khó có tầm ảnh hưởng toàn cầu nếu thiếu sự hợp tác và hỗ trợ của Nga.

“Chúng tôi tin rằng không có vấn đề nào trong quan hệ giữa Nga và EU mà chúng ta không thể giải quyết. Để quay về quan hệ đối tác nhiều mặt, chúng ta phải bỏ đi những suy nghĩ sai lầm để một bên đạt được thế thượng phong. Mỗi bên cần nghiêm túc xem xét quan điểm và những mối quan tâm của bên còn lại”, ông Putin nói.

Đòn cao tay của Nga với châu Âu?

Tuyên bố của điện Kremlin về việc đối thoại với EU nhằm giải quyết các vấn đề còn vướng mắc được đưa ra ngay sau chuyến thăm Hy Lạp 2 ngày của tổng thống Putin. Giới phân tích cho rằng, đây là đòn cao tay của Nga với châu Âu khi dùng Hy Lạp, thành viên khiến liên minh EU đang đau đầu tìm cách tháo gỡ khó khăn để đưa ra các yêu cầu có lợi cho mình.

Thực tế dù nhận được nhiều viện trợ của EU để khôi phục nền kinh tế nhưng thời gian gần đây Athens luôn đứng về phía Moskva trong các lần phương Tây tuyên bố cấm vận hay gia tăng thêm trừng phạt với Moskva vì liên quan đến cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Hôm 27/5, phát biểu với báo giới tại thủ đô Athens, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt phương Tây áp dụng đối với Nga là không hiệu quả.

Nga đang chơi đòn cao tay nhằm đối phó với phương Tây?
Nga đang chơi đòn cao tay nhằm đối phó với phương Tây?

Theo ông Alexis Tsipras, Hy Lạp đã nhiều lần khẳng định, vòng luẩn quẩn của sự quân phiệt hóa, sự đối đầu kiểu thời kỳ chiến tranh lạnh hay các biện pháp trừng phạt đều không có hiệu quả.

“Giải pháp cho vấn đề này là đối thoại. Mọi người đều thừa nhận, sẽ không thể tồn tại một tương lai cho châu Âu với sự bất đồng sâu sắc giữa Liên minh châu Âu và Nga”, ông Alexis Tsipras nhấn mạnh.

Việc thắt chặt quan hệ với Hy Lạp vào lúc này, Nga đang khiến EU phải xem xét, tính toán cẩn thận trong các quan hệ với nước này, đặc biệt là trường hợp gia tăng thêm cấm vận, trừng phạt kinh tế.

Thực tế, Hy Lạp có một vị trí cực kỳ quan trọng, được coi là cửa ngõ của châu Âu với hải cảng Alxexandroupolis đáp ứng lượng vận chuyển hàng hóa lớn. Nếu có được Hy Lạp, Nga sẽ có thể tự do vận chuyển hàng hóa cũng như kiểm soát đầu ra của châu Âu. Đây là điều là Mỹ, Đức hay nhiều thành viên khác trong khối EU không hề mong muốn.

Trong khi đó, các chính sách thắt chặt tài khóa, các khoản viện trợ kinh tế hiện nay chỉ là thỏa thuận giữa Hy Lạp và liên minh châu Âu. Chính quyền tổng thống Putin hoàn toàn có thể xen vào bất cứ lúc nào dù bản thân nền kinh tế Nga thời điểm này cũng chịu nhiều khó khăn, sức ép.

Điều này đã được kiểm chứng trong chuyến thăm 2 ngày của ông Putin đến Athens.

Ngày 27/5, ngay sau khi đặt chân đến quốc gia này, ông chủ điện Kremlin đã ký nhiều thỏa thuận kinh tế quan trọng với Hy Lạp, đặc biệt là trong hai lĩnh vực chủ chốt là năng lượng và du lịch.

“Chúng tôi đang bước sang một trang mới và chấm dứt tình hình bất ổn. Chúng ta có thể lạc quan hướng về tương lai để khởi động lại nền kinh tế, xây dựng lại sản xuất và tiến tới phát triển. Tôi tin rằng, tất cả các yếu tố này sẽ đóng góp tích cực để thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa Nga và Hy Lạp trong một môi trường ổn định và triển vọng”, Thủ tướng Hy Lạp nhấn mạnh khi nói về sự hợp tác giữa 2 quốc gia.

Song song với tuyên bố đối thoại với EU, Nga cũng đang chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp để đáp trả phương Tây.

Ngày 27/5, phát biểu trong cuộc họp với thành viên của Liên hiệp Các doanh nghiệp và Nhà công nghiệp Nga, Thủ tướng Medvedev tuyên bố, việc cấm vận hàng nông sản đối với các nước ban bố lệnh trừng phạt Nga sẽ được kéo dài đến cuối năm 2017.

“Các công ty nông sản của chúng tôi đã yêu cầu kéo dài lệnh cấm vận hàng nông sản đối các nước áp đặt sự trừng phạt kinh tế với Nga. Tôi đã ra lệnh chuẩn bị các văn bản liên quan nhằm kéo dài việc này không phải thêm một năm mà sẽ đến cuối năm 2017”, Thủ tướng Medvedev nói.

Rõ ràng, Nga đang tỏ ra khôn ngoan khi thân thiết với Hy Lạp trong thời điểm này. Dù vai trò không được đánh giá cao tại EU nhưng với vị trí thuận lợi của nước này, nếu Nga có được Athens thì phương Tây sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy việc đánh giá, xem xét lại quan hệ với Moskva là điều mà EU nên cân nhắc vào lúc này.

Theo Hòa Bình (Tổng hợp)

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm