Nga đưa tàu chiến tới vùng biển Syria
(Dân trí) – Bộ Quốc phòng Nga đã cử tàu tuần tiễu mang tên lửa đạn đạo Smetlivyi của Hạm đội Hắc Hải đến vùng biển Syria và hoạt động tại vùng biển này cho tới đầu tháng Năm tới, hãng thông tấn RIA-Novosti cho hay.
Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga xác nhận thông tin trên với RIA-Novosti vào chiều 5/4.
Theo đó, khu trục hạm có tên lửa dẫn đường Smetlivy đã rời cảng Sevastopol của Ukraine từ ngày 1/4 và đang trong hải trình tới cảng Tartus của Syria ở bờ Đông Địa Trung Hải. Đây là nơi hải quân Nga đặt căn cứ duy nhất ở nước ngoài để có thể trang bị những thứ cần thiết cho các tàu chiến của Nga khi tới đây.
Tàu Smetlivy có lượng choán nước 4.390 tấn, chở theo thủy thủ đoàn gồm 266 người.
Nga coi Địa Trung Hải là khu vực chiến lược của mình nên Hạm đội Hắc Hải thường xuyên phái tàu chiến tới vùng biển này hoạt động. Thời gian gần đây, hoạt động của các tàu chiến Nga càng được tăng cường khi ở vùng biển gần Syria xuất hiện thêm các tàu chiến của Mỹ, Anh, Pháp, Đức và một số nước khác, đặc biệt là vào những thời điểm căng thẳng tại Syria có nguy cơ bùng nổ thành một cuộc chiến khu vực.
Tuy nhiên, khác với các lần trước, sứ mệnh của khu trục hạm Smetlivyi lần này được thực hiện trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Syria đang có những dấu hiệu hạ nhiệt, do chính quyền Damascus đã nhất trí với kế hoạch hòa bình 6 điểm của đặc phái viên chung Liên hợp quốc - Liên đoàn Ảrập Kofi Annan.
Trong tuyên bố liên quan đến kế hoạch hòa bình nói trên, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Mátxcơva có thể ủng hộ đề xuất của Hội đồng Bảo an LHQ về Syria.
“Nga có thể bỏ phiếu ủng hộ một văn kiện của HĐBA về việc ủng hộ kế hoạch hòa bình của đặc phái viên Kofi Annan”, ông Lavrov phát biểu tại Cưrơgưxtan.
Tuy nhiên, ông Lavrov cũng không quên tái khẳng định văn kiện của HĐBA không được đưa ra các tối hậu thư hay những lời đe dọa đối với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng cho rằng mọi lời nói và hành động của các bên liên quan trong vấn đề Syria cần phải nhằm xoa dịu căng thẳng đang bao trùm ở quốc gia Trung Đông này.
Trước đó, Nga và Trung Quốc đã hai lần bác bỏ dự thảo nghị quyết của HĐBA về Syria do các văn bản này có điều khoản đơn phương lên án chính quyền Damascus, dung túng phe đối lập ở Syria và buộc ông Assad phải chuyển giao quyền lực.