1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga điều thêm chiến hạm, kêu gọi Syria không dùng vũ khí hóa học

(Dân trí) – Chiều 24/7, các tàu chiến Nga thuộc Hạm đội Baltic và Hạm đội Biển Bắc, đã đi qua eo biển Gibranta để tới Địa Trung Hải chuẩn bị tham gia cuộc tập trận lớn cùng với các tàu chiến của Hạm đội Hắc Hải đang có mặt tại đây.

Nga điều thêm nhiều tàu chiến tới Địa Trung Hải tập trận

Các tàu chiến thuộc Hạm đội Hắc Hải của Nga đang có mặt tại Địa Trung Hải để sẵn sàng tham gia tập trận.

 Trong thành phần các tàu chiến của ba hạm đội Nga kể trên có 3 tàu đổ bộ, 2 tàu tuần tiễu và 2 tàu hộ tống.

Bên cạnh cuộc tập trận tại Địa Trung Hải, các tàu chiến Nga còn phối hợp diễn tập tại Biển Đen và Đại Tây Dương.

Ngoài ra, trong khuôn khổ các cuộc tập trận này, các tàu chiến Nga cũng sẽ ghé vào quân cảng Tartus của Syria, bất chấp việc Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) trước đó đã bày tỏ lo ngại về kế hoạch tập trận cũng như chuyến ghé thăm này.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh có dấu hiệu can thiệp quân sự vào Syria khi phương Tây và các nước trong khu vực đang tìm cách đẩy mạnh sức ép cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế và quân sự lên chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, đồng minh duy nhất của Nga ở Trung Đông.

Trong nghị quyết ra ngày 23/7, Liên đoàn Ảrập (AL) tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Syria và kêu gọi Liên hợp quốc thiết lập vùng an toàn tại Syria.

Liên minh châu Âu (EU) nhất trí siết chặt lệnh trừng phạt kinh tế và cấm vận vũ khí đối với nhiều cá nhân, thực thể tài chính và hàng hóa của Damascus.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq điều chuyển quân tới sát biên giới Syria nhằm hỗ trợ lực lượng đối lập Syria tăng cường năng lực đối phó với quân chính phủ trong các vụ giao tranh ở khu vực biên giới.

Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất, Bộ Ngoại giao Nga vẫn kêu gọi Syria nghiêm túc tuân thủ cam kết đối với lệnh cấm quốc tế về sử dụng vũ khí hóa học và vũ khí giết người hàng loạt  khác.

“Nga hy vọng chính quyền Syria sẽ tiếp tục tôn trọng Nghị định thư Geneva 1925 dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.

Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết Mátxcơva hiện rất lưu ý tới những tuyên bố của Bộ Ngoại giao Syria về khả năng chính quyền Damascus sẽ sử dụng vũ khí hóa học trong trường hợp bị tấn công từ bên ngoài.

Syria gia nhập và thông qua Nghị định thư Geneva 1925 vào năm 1968, trong đó nghiêm cấm sử dụng hơi ngạt, chất gây độc và các khí khác trong chiến tranh.

 

 Đức Vũ
Theo AFP, Xinhua

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm