1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nga “đau đầu” trước mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo IS

IS đang có nguy cơ trở thành một mối đe dọa mới cực kỳ nguy hiểm đối với nước Nga khi được các thành phần Hồi giáo cực đoan ở Bắc Kavkaz ủng hộ.

Ngày 30/6, BBC đưa tin, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) mới đây đã tuyên bố thành lập một tỉnh (wilayat) tại vùng Bắc Kavkaz của Nga, nơi tập trung nhiều người Hồi giáo sinh sống.

BBC nhận định, nếu tuyên bố này đúng sự thật, Nga sẽ ngày càng cận kề mối nguy bành trướng của IS, bởi đây là dấu hiệu cho thấy Nga đang mất dần kiểm soát với những phần tử Hồi giáo cực đoan tại đây.

Hồi giáo cực đoan ở Nga quay sang ủng hộ IS mạnh mẽ
IS ngày càng trở thành nỗi lo ngại toàn cầu
IS ngày càng trở thành nỗi lo ngại toàn cầu

Nhiều năm nay, khu vực Bắc Kavkaz luôn tiềm ẩn tình trạng bất ổn với các vụ khủng bố liên tục hoành hành. Trước đây, khu vực này từng bị đặt vào tình trạng báo động với sự hiện diện của tổ chức Hồi giáo cực đoan Emirates Kavkaz.

Nhóm này đã thực hiện tổng cộng hơn 900 vụ tấn công khủng bố ở Nga từ năm 2009-2014. Nghiêm trọng nhất là vụ đánh bom một tàu cao tốc chở 661 hành khách từ thủ đô Moscow tới TP St. Petersburg năm 2009 khiến 27 người tử vong và làm 50 người khác bị thương.

Nhóm Emirates Kavkaz cũng có ý định muốn thành lập một “nhà nước” ly khai của người Hồi giáo, từng nhiều lần nổi dậy nhưng đều bị dập tắt. Cho đến nay, nhóm này vẫn còn đang tồn tại trong cộng đồng người Hồi giáo ở Bắc Kavkaz.

BBC khẳng định, nhóm Emirates Kavkaz vẫn chưa lên tiếng về việc xuất hiện một “tỉnh” mới của IS ở Nga. Tuy nhiên, hãng tin này dẫn lời các nhà phân tích cho rằng một số lượng lớn những người từng phục vụ ở Emirates Kavkaz nay đã chuyển sang ủng hộ IS.

Trước đó, hôm 25/6 vừa qua, trên Internet đã xuất hiện một video clip do tổ chức khủng bố ở Chechnya đăng tải cho thấy các chiến binh Hồi giáo ở 4 khu vực thuộc vùng Kavkaz của Nga đã cam kết trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi.

Thậm chí, lãnh đạo nhóm Emirates Kavkaz, Aslan Byutukayev tại Chechnya đã đích thân thể hiện lời tuyên thệ của mình trong đoạn video, đồng thời kêu gọi 15.000 chiến binh Hồi giáo của nhóm gấp rút đoàn kết để “cắt đầu những kẻ ngoại đạo”.

Những diễn biến dồn dập nói trên không khỏi khiến dư luận Nga lo ngại. Bởi lẽ, IS đang có nguy cơ trở thành một mối đe dọa mới cực kỳ nguy hiểm đối với nước Nga. Sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Emirates Kavkaz sẽ giúp IS vươn cánh tay dài hơn để thực hiện tham vọng bành trướng của mình.

Những diễn biến đó cũng cho thấy sức mạnh lan tỏa của IS. Nhờ những thủ đoạn tuyên truyền hết sức tinh vi, IS đã tạo ra được một sức hấp dẫn đáng kể đối với các lực lượng khủng bố tại nhiều khu vực trên thế giới.

Giờ đây, với việc thành lập một tỉnh ở Bắc Kavkaz, IS không chỉ có thêm những nguồn tài nguyên mới và nguồn vũ khí mới mà điều quan trọng hơn - có thêm nguồn nhân lực mới, những tay súng mới và những thế lực ủng hộ mới.

Nước Nga cận kề nguy cơ khủng bố bùng nổ

Việc phiến quân Nhà nước Hồi giáo IS “xâm nhập” vào các tổ chức khủng bố hoạt động ở Bắc Kavkaz có thể tạo nên một “khuynh hướng cực kỳ nguy hiểm” ở Nga, Tướng Sergei Smirnov, Phó Giám đốc Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) cho biết.

Theo ông Sergei Smirnov, việc nhóm Emirates Kavkaz- một tổ chức Hồi giáo cực đoan có “máu mặt” lên tiếng ủng hộ IS sẽ khiến cho tầm ảnh hưởng tổ chức khủng bố này ngày càng lan rộng hơn. Ông Smirnov cho hay, các cơ quan tình báo Nga ước tính có khoảng 1.700 công dân nước này đang chiến đấu trong hàng ngũ IS ở Iraq và Syria.
IS ngày càng trở thành nỗi lo ngại toàn cầu
Các tay súng thuộc nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) diễu hành trên đường phố Raqqa, Syria. (Ảnh: AP)

Còn theo Phó thư ký Hội đồng An ninh Nga (RSC), con số này có thể lên tới 2.000 người. Sau quá trình huấn luyện, họ quay về quê hương qua cửa ngõ Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách giả làm khách du lịch mất giấy tờ tùy thân.

BBC nhận định, Moscow đang phải đối mặt với thách thức to lớn, đó là nguy cơ khủng bố sẽ càng bùng nổ ở nước này. BBC dẫn lời nhà báo Grigory Shvedov của hãng tin Kavkaz Knot nhận xét: “Tôi không cho rằng IS chỉ đơn thuần muốn nắm giữ một mảnh đất ở Bắc Kavkaz mà kế hoạch của họ còn hơn thế. IS có thể sẽ triển khai nhiều cuộc tấn công khủng bố ở Nga, nhằm mục đích phô trương thanh thế và “xuất hiện trên bản đồ”.

Trong khi đó, chính phủ Nga cũng đang đề cao cảnh giác với tổ chức Hồi giáo cực đoan này, thể hiện qua cuộc trò chuyện hiếm hoi của Tổng thống Nga Vladimir Putin với Tổng thống Mỹ Barack Obama gần đây, theo BBC. Trong cuộc trò chuyện, hai vị nguyên thủ đã đề cập đến việc Nga và Mỹ chung tay diệt trừ IS tại Syria.

Trong một bài phát biểu trước các quan chức cao cấp của Cơ quan An ninh, Tổng thống Putin nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của Moscow trong thời điểm hiện tại là theo dõi các công dân Nga từng chiến đấu bên cạnh IS, ngăn chặn sự phát triển của các tổ chức khủng bố bên trong lãnh thổ. Ngoài ra, chính phủ cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm hạn chế ảnh hưởng của IS đối với dân chúng.

Moscow vẫn sẽ tiếp tục mạnh tay

Người đứng đầu của Chechnya, ông Ramzan Kadyrov, đã bác bỏ tuyên bố IS thành lập một tỉnh ở khu vực Caucasus và cho rằng tuyên bố này là không có căn cứ. Tuy nhiên, ông Kadyrov cũng thừa nhận sự ảnh hưởng của IS ở khu vực này là chuyện không thể bỏ qua. Ông Kadyrov khẳng định nước này vẫn sẽ mạnh tay để trấn áp khủng bố.

Ông Kadyrov nói: "Chúng tôi sẽ tiêu diệt hết quỷ dữ và những tên kẻ cướp ở đây".
Lực lượng chống khủng bố của Nga
Lực lượng chống khủng bố của Nga

Từ trước đến nay, các nhà lãnh đạo của vùng Chechnya vẫn luôn dùng chiến thuật “bàn tay sắt” để trấn áp các phần tử Hồi giáo cực đoan. Phương pháp cứng rắn này đã đạt được một vài thành công nhất định khi có thể dẹp bỏ được mối đe dọa đòi ly khai từ tổ chức Hồi giáo cực đoan Emirates Kavkaz ở Chechnya cách đây vài năm.

Tuy nhiên, chiến thuật này cũng đã dấy lên nhiều tranh cãi. Một vài chuyên gia lo ngại, chiến thuật “bàn tay sắt” có thể phản tác dụng đối với khủng bố.

Nhà báo Grigory Shvedov của hãng tin Kavkaz Knot nhận định: “Tôi cho rằng rất nhiều phiến quân, đặc biệt là những người trẻ tuổi sẽ phản ứng cực đoan hơn nếu tiếp tục cứng rắn như vậy”.

Các chuyên gia cho rằng, Nga cần phân phát nhiều "cà rốt" hơn thay vì áp dụng chính sách “cây gậy” đó là tăng cường viện trợ và giải quyết gốc rễ nạn thất nghiệp, nghèo đói ở Bắc Kavkaz. Nếu khu vực này có thể cải thiện được kinh tế, có nhiều công việc, lành mạnh hóa hệ thống hành chính... thì có lẽ những tư tưởng cực đoan trong cộng đồng người Hồi giáo sẽ giảm đi rất nhiều.

Hơn thế nữa, Nga cũng cần thắt chặt hơn việc kiểm soát an ninh biên giới và xuất nhập cảnh, ngăn không cho công dân bỏ trốn sang gia nhập IS.

Bên cạnh đó trước chiến lược truyền thông hết sức tinh vi của IS, chính quyền Moscow cần cảnh giác hơn để có thể có những biện pháp xử lý kịp thời./.
Theo Phương Chi/VOV.VN