1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga có tránh được bãi lầy Syria?

"Bãi lầy Syria" là Idlib vì thế, muốn không bị sa lầy thì Nga phải vượt qua Idlib.

Bãi lầy chiến tranh dễ bị sa vào đó vì nó rất thú vị ở chỗ, lúc đầu các siêu cường đều rất cảnh giác, cảnh giác đến mức… sa vào đó lúc nào cũng không biết mà chỉ biết khi nhấc chân không nổi.

Sa lầy như bị ma xui quỷ khiến mà người trong cuộc không đoán biết mặc dù nó sờ sờ trước mắt….

Thế trận “da báo” vẫn đang tồn tại ở Syria, lực lượng nổi dậy và khủng bố thánh chiến ở vùng màu xanh có thể uy hiếp vùng chính phủ kiểm soát bất cứ lúc nào
Thế trận “da báo” vẫn đang tồn tại ở Syria, lực lượng nổi dậy và khủng bố thánh chiến ở vùng màu xanh có thể uy hiếp vùng chính phủ kiểm soát bất cứ lúc nào

Dấu hiệu có “bãi lầy” ở ở Syria trước mắt Nga!

Dấu hiệu đầu tiên là sinh lực địch được phân tán chứ không bị tiêu diệt hay đánh thiệt hại nặng.

Chiến thắng Aleppo hoàn toàn khác chiến thắng Stalingrad hay Điện Biên Phủ. Chiến thắng Aleppo của Nga -Syria chỉ có ý nghĩa lớn về chính trị, lãnh thổ, nhưng rất ít về ý nghĩa quân sự. Đòn đánh tiêu diệt lớn làm kẻ thù ngã quỵ, mất sức chiến đấu, không xảy ra tại Aleppo.

Thứ nhất, tại Aleppo, lực lượng các nhóm nổi dậy bị bao vây phải đến từ 12-16 ngàn quân, thế nhưng tiêu diệt và bức hàng không đáng kể.

Phần lớn chúng, những tên ngoan cố, đã được tập hợp nhau lại tại Idlib và đe dọa là sẽ bắt tay với Al-Nusra để trở thành Al-Qaeda.

Như vậy các nhóm nổi dậy chưa mất sức chiến đấu, chưa bị đánh thiệt hại nặng làm cho tan rã. Và các thế lực bên ngoài đang nuôi dưỡng, hậu thuẫn thì chúng sẽ tổ chức hoạt động quân sự trở lại là không tránh khỏi, điều này chỉ là vấn đề thời gian.

Thứ hai là thế trận đã phân chia ra 2 chiến tuyến rõ ràng, đó là Liên minh do Nga đứng đầu phải chống lại Liên minh do Mỹ đứng đầu bao gồm các nhóm nổi dậy và IS. Nên nhớ là cả IS mà không cần úp mở, giấu diếm.

Việc IS nằm dưới sự chỉ huy tác chiến của lực lượng đòi "Assad phai ra đi" là một dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm trên chiến trường Syria.

Thứ ba là lực lượng bảo vệ vùng giải phóng vừa yếu vừa thiếu.

Sau 5 năm chiến tranh, trước khi phải yêu cầu quân đội Nga giúp đỡ, quân đội Syria đã bị tổn thất lớn. Sau khi Nga xuất hiện, quân đội Syria đã bước đầu hồi phục và phát triển, giải phóng nhiều vùng đất đai trong đó có chiến thắng lớn nhất là Aleppo.

Tuy nhiên, giải phóng đất đai, thành phố đã khó khăn thì bảo vệ vùng giải phóng còn khó khăn hơn nhiều. Trong khi lực lượng của các nhóm nổi dậy còn nhiều, mạnh, bố trí lực lượng ở thế “da báo” và lực lượng của chính quyền Assad còn quá mỏng nên rất dễ thất thủ khi bị tấn công.

Đây là 3 dấu hiệu khẳng định cuộc chiến ở Syria sẽ lâu dài, dằng co, quyết liệt không phân thắng bại rõ ràng. Bãi lầy Syria đã chực chờ, hiện hữu.

Những con đường dẫn đến bãi lầy

Điều đáng tiếc là 3 dấu hiệu có bãi lầy cũng chính là nguyên nhân “quyến rũ” để kéo Nga vào bãi lầy nếu như thiếu tỉnh táo.

Không tiêu diệt được sinh lực địch trên chiến trường thì cuộc chiến sẽ kéo dài, dằng co quyết liệt. VKS Nga sẽ hoạt động, sẽ thử vũ khí trong bao lâu?

Khi các thế lực muốn lật đổ Assad đã lột mặt nạ sử dụng con bài cuối cùng là IS để tấn công thì chiến trường Syria không còn đơn giản. Nga giỏi thì chỉ bao vây ngăn chặn được mọi nguồn tiếp tế với đám nổi dậy liên kết với Al-Nusra nhưng với IS thì không thể. Phiên bản Afghanistan 2.0 xuất hiện.

Khi lực lượng bảo vệ vùng giải phóng quá mỏng, vừa yếu vừa thiếu thì… Palmyra là một biểu hiện sinh động nhất cho tình thế đó mà không bàn đến các lý do chiến thuật khác:

Bảo vệ thành phố cổ này chỉ lực lượng vũ trang địa phương NDF có hơn 1000 quân, phải đối đầu với hơn 5000 quân IS thiện chiến, có lợi thế bất ngờ… tấn công. Trong ngày 11 đã hy sinh và bị thương hơn 300 người nên đã buộc phải rút chạy.

Vấn đề đặt ra là Nga sẽ làm gì trong tình huống này (Palmyra) và đại loại trong các tình hương khác tương tự? Rõ ràng là Nga phải động binh, phải đưa lực lượng mặt đất (đặc nhiệm) tham chiến như tại Palmyra. Nhưng nếu như sau này, xảy ra tại Aleppo hay Damascus thì Nga có hành động như đã từng tại Palmyra? Con đường đến bãi lầy đã mở.

Tránh được không?

Tìm một giải pháp chính trị là chuyện ai cũng biết, nhưng đó không phải là đẳng cấp của Nga thời Putin.

Sau chiến thắng Aleppo, Nga-Syria-Hezbollah phải tập trung lực lượng quyết một trận sống mái cuối cùng với các nhóm nổi dậy ngoan cố và al-Nusra đang co cụm tại Idlib. Phương án tác chiến là phải đánh nhanh thắng nhanh, đánh hủy diệt bằng mọi phương tiện vũ khí có trong tay.

Hiện nay, các nhóm nổi dậy đang sống chung với Al-Nusra tại Idlib chỉ còn một cửa thoát sang Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng rất khó khăn vì địa hình biên giới. Vì thế, diệt gọn các lực lượng này như đã từng tại Chechnya thì mới tránh được bãi lầy Syria.

Có thể nói “bãi lầy Syria” chính là Idlib. Dứt điểm được Idlib thì loại được lực lượng nổi dậy, al-Nusra ra khỏi vòng chiến, loại bỏ được tình thế “da báo”, Nga-Syria chỉ còn đối đầu với IS dễ hơn rất nhiều lần với các nhóm nổi dậy. Việc Assad nên liên minh với YPG, củng cố xây dựng lực lượng... là nước sau.

Vì vậy, nếu Nga không dứt điểm được Idlib (bằng cách bao vây diệt sạch) thì Nga sẽ sa lầy là khó tránh.

Theo Lê Ngọc Thống

Đất Việt