Nga chứng minh vẫn làm chủ chiến trường Syria?
Nga đang gồng mình chứng minh vẫn làm chủ chiến trường Syria bất chấp những cáo buộc và bất lợi xung quanh.
Nga bác bỏ thông tin máy bay bị rơi tại Aleppo
Ngày 5/6, Thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, đã lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng một chiếc máy bay chiến đấu của không quân nước này đã bị bắn hạ tại thành phố Aleppo ở Syria.
“Tất cả các máy bay chiến đấu của lực lượng không quân vũ trụ Nga đều đang ở căn cứ không quân Hmeymim”, tướng Konashenkov khẳng định.
Trước đó nhiều nguồn tin cho rằng có một chiếc máy bay chiến đấu không rõ danh tính đã rơi gần thành phố Aleppo vào hôm 5/6. Khu vực máy bay rơi đang có giao tranh giữa lực lượng quân Chính phủ Syria và các lực lượng phiến quân Hồi giáo.
Tổ chức giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết hiện chưa rõ chiếc máy bay bị rơi vì sự cố kỹ thuật hay là bị bắn rơi bởi tên lửa.
Trong một diễn biến có liên quan, sau tuyên bố của Thiếu tướng Igor Konashenkov, máy bay của Nga và Syria đã ồ ạt oanh kích thành phố Aleppo.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng nước này, trong ngày 5/6, gần 50 vụ không kích đã diễn ra tại thành phố Aleppo của Syria, hiện đang bị phiến quân chiếm đóng.
Trước đó, hôm 12/4, truyền thông Anh cũng đưa tin, trực thăng Mi-28 của Không quân Nga đã rơi ở khu vực tỉnh Homs của Syria. Nhiều nguồn tin cũng đồn đoán đây là một vụ bắn hạ do đây là vị trí mà phiến quân Mặt trận Nusra - một chi nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda - và một số nhóm phiến quân khác đang hoạt động mạnh.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Moskva đã lên tiếng khẳng định trực thăng này rơi không phải do bị bắn hạ.
Nga chứng minh vẫn làm chủ chiến trường Syria?
Những tuyên bố mới của vị tướng người Nga được đưa ra trong bối cảnh phiên đàm phán hòa bình về Syria tại Geneva, Thụy Sĩ vẫn đang bế tắc. Hơn nữa, Moskva cũng đang rơi vào thế khó khi bị các nước láng giềng và NATO khép chặt vòng vây. Giới phân tích cho rằng, dường như điện Kremlin đang muốn chứng minh vẫn làm chủ cuộc chơi trên chiến trường Syria dù chịu nhiều áp lực từ các bên.
Hôm 3/6, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã lên tiếng xác nhận việc Washington đề nghị Moskva không tấn công Mặt trận Nusra, nhánh al-Qeada ở Syria.
Tại Paris, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ông đã điện đàm với người đồng cấp Nga Lavrov để thảo luận về tình hình bạo lực gia tăng ở Syria. Hai ngoại trưởng trao đổi với nhau trong khoảng một giờ.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner, ông Kerry còn nhấn mạnh Nga cần phải cẩn thận phân biệt giữa IS, Mặt trận Nusra với các nhóm đối lập hợp pháp.
“Chúng tôi hoàn toàn nhất trí IS và Mặt trận Nusra tạo ra mối đe dọa thực sự với an ninh thực địa ở Syria”, ông Toner nói.
Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ còn lưu ý không kích nhằm vào lực lượng đối lập và dân thường chỉ khiến người dân “thêm ủng hộ những nhóm khủng bố này”.
Trong khi đó, đề xuất của Nga trong việc thảo luận về chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ cũng vừa mới bị Nhà Trắng từ chối.
Thông tin này đã được Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov xác nhận tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.
“Chúng tôi đã đề xuất hợp tác với họ nhiều lần và tìm kiếm giải pháp để có thể giải quyết tình hình... Tuy nhiên, chúng tôi không thành công trong việc thuyết phục họ tiếp tục đối thoại về vấn đề này. Theo tôi hiểu, hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để họ tiến hành tham vấn”, ông Antonov tuyên bố.
Ngoài ra, trên chiến trường, các tay súng thuộc mạng lưới khủng bố al-Qaeda vẫn bỏ mặc những cảnh cáo từ Moskva và gia tăng các hoạt động khiêu khích tại Aleppo.
Điển hình là ngày 4/6, lực lượng này đã nã pháo vào nhiều khu dân cư ở thành phố Aleppo của Syria, khiến hơn 140 người thương vong.
Vụ pháo kích đã phá huỷ một đồn cảnh sát cùng nhiều toà nhà của người dân. Hơn 40 dân thường, nhân viên an ninh, binh sĩ quân đội Syria thiệt mạng và khoảng 100 người khác bị thương trong vụ tấn công này.
Không chỉ bị Mỹ cự tuyệt, hiện nay Nga cũng đang bị các nước láng giềng và NATO khép chặt vòng vây.
Trang tin N-TV của Đức ngày 3/6 dẫn lời Bộ Quốc phòng Ba Lan thông báo từ tháng 9/2016, nước này sẽ triển khai xây dựng một lực lượng bán quân sự mới để bảo vệ đất nước với quy mô khoảng 35.000 quân.
Lý do thành lập lực lượng bán quân sự quy mô lớn này được Bộ Quốc phòng Ba Lan giải thích là nhằm đối phó với nguy cơ về một cuộc “chiến tranh lai” mới từ Nga, trong đó Ba Lan muốn đề phòng trường hợp các chiến binh Nga thâm nhập vào lãnh thổ phía Đông Ba Lan giống như những gì xảy ra ở miền Đông Ukraine.
Ngoài việc Ba Lan tuyên bố lập lực lượng bán quân sự, NATO cũng đang có kế hoạch tăng cường sức mạnh phòng vệ cho nước này.
Theo đó, một tiểu đoàn của NATO sẽ được điều tới Ba Lan và ba quốc gia khác trong vùng Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania. Tổng số binh sĩ điều động dự kiến vào khoảng 4.000 người và hoạt động theo cơ chế điều động luân phiên.
Sắp tới đây, ngày 8 và 9/7, một hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Warsaw sẽ đi đến những kết luận chi tiết cuối cùng của kế hoạch điều quân này.
Nhiều nước trong số 28 quốc gia thành viên NATO cũng sẽ điều quân đội tới nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự của NATO tại khu vực phía đông, gần biên giới Nga.
Rõ ràng, điện Kremlin đang phải đối mặt với nhiều khó khăn mà không thể tự mình quyết định được. Chiến trường Syria vẫn đang rối loạn, các nước láng giềng o ép, đe dọa đang khiến Nga phải căng mình để chống đỡ. Vì vậy việc đưa ra các tuyên bố chứng minh vẫn làm chủ cuộc chơi tại Syria là một động thái cần thiết để trấn an dư luận đang xôn xao lúc này.
Theo Tuấn Hùng (Tổng hợp)
Đất Việt