1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga cho không S-300 để làm phên dậu biên giới

Nga đã tìm ra cách tăng cường sức mạnh phòng thủ quanh mình bằng chiến lược viện trợ không hoàn lại hệ thống phòng không S-300.

Chiến lược tặng vũ khí của Nga

Hãng Sputnik dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, Nga đã hoàn tất việc chuyển giao 5 tiểu đoàn S-300PS theo thoả thuận nhằm cung cấp miễn phí các hệ thống tên lửa phòng không cho Kazakhstan.

Ông Shoigu nói trong một cuộc gặp mặt với người đồng cấp Kazakhstan, ông Imangali Tasmagambetov hôm 23/12: “Chúng tôi đã chính thức hoàn thành dự án cung cấp miễn phí các hệ thống S-300PS cho Kazakhstan”.

Nói về kế hoạch sử dụng hệ thống S-300PS của Kazakhstan, Thứ trưởng quốc phòng Nga Anatoly Antonov cho biết Kazakhstan sẽ sử dụng phiên chế đơn vị phòng không giống Nga với việc mỗi trung đoàn phòng không gồm hai tiểu đoàn phòng không phức hợp và cơ cấu của mỗi tiểu đoàn S-300 sẽ có 8 xe phóng.

Ông Antonov nhấn mạnh, việc cung cấp S-300 không chỉ nâng cao khả năng phòng thủ của Kazakhstan, mà còn cả của Nga theo Hiệp ước An ninh tập thể.

“Điều đó rất quan trọng trong bối cảnh chúng ta phải đối phó với thách thức và đe dọa mới xuất hiện gần biên giới của khối. Đặc biệt khi liên quân quốc tế rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan”, ông Antonov cho biết.

Nga cho không S-300 để làm phên dậu biên giới - 1

Hệ thống phòng thủ S-300PS.

Trước khi hoàn tất chuyển giao S-300PS cho Kazakhstan, Nga cũng đã có bước đi tương tự khi tặng Belarus 4 hệ thống phòng thủ S-300. Những hệ thống này đã được chuyển cho Belarus ngay từ đầu năm 2015 và bắt đầu hoạt động trực chiến ngay sau khi được bàn giao.

Trước khi Belarus được tiếp nhận 4 hệ thống phòng khoog này, hồi tháng 7/2014, Phó giám đốc Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quốc phòng Liên bang Nga, Konstantin Biryulin cũng tiết lộ, Nga đã đồng ý chuyển giao miễn phí một số tổ hợp S-300 cho Belarus.

Việc chuyển giao được thực hiện theo khuôn khổ chương trình phát triển Hệ thống phòng không khu vực hợp nhất. Theo đó, Nga và Belarus cũng đã đạt được thỏa thuận về việc thành lập hệ thống phòng không hợp nhất làm nền tảng cho khả năng phát triển hệ thống phòng không chung của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) ở Đông Âu.

Theo thỏa thuận giữa hai bên, Nga và Belarus đưa vào và sử dụng hệ thống chỉ huy hợp nhất chuẩn kỹ thuật số cho phép điều phối hoạt động phòng không chung của hai nước hoàn toàn tự động.

Theo một số nguồn tin, hệ thống phòng không hợp nhất của Nga và Belarus cũng được trang bị các tổ hợp tên lửa hiện đại S-400 và Tor-M2. Nhiều khả năng, Minsk sẽ được mua các đơn vị vũ khí hiện đại trên với giá ưu đãi.

Theo tính toán của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga, hệ thống phòng không hợp nhất cần tối thiểu 16 tiểu đoàn S-400 để bảo đảm khả năng phòng vệ trước các mối nguy cơ bị tấn công đường không từ bên ngoài.

Từ những thông tin trên có thể nhận thấy, việc Nga tặng Belarus bốn tổ hợp tên lửa phòng không S-300 chỉ là trên danh nghĩa, còn thực chất là chúng được chuyển sang lãnh thổ Belarus để củng cố sức mạnh cho hệ thống phòng không hợp nhất của Nga và Belarus trước mối đe dọa từ bên ngoài.

Trước khi Nga thực hiện những vụ tặng vũ khí này, Nga và Armenia đã bắt đầu xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa chung với nòng cốt là tổ hợp S-400 của Nga. Ngoài ra, Moscow cũng vừa tăng cường 7 trực thăng tấn công hiện đại Mi-24P và trực thăng vận tải Mi-8MT đến Yerevan.

Một đại diện Quân khu phía Nam Nga cho biết: "Trước khi kết thúc năm 2015, sẽ trang bị thêm một nhóm trực thăng. Các trực thăng được bố trí trên sân đỗ, bên cạnh các chiến đấu cơ MiG-29 của Nga tại Armenia. Công tác hoàn thiện lắp ráp sẽ diễn ra trong vòng một tháng, sau đấy phi công sẽ bắt đầu các chuyến bay trực chiến".

Ấn Độ chốt hợp đồng S-400

Theo Bloomberg, trong chuyến thăm Nga 2 ngày bắt đầu từ hôm 23/12, Thủ tướng Ấn Độ Nerendra Modi sẽ ký hợp đồng vũ khí lớn nhất của nước này với Nga trong 14 năm qua khi có trị giá khoảng 7 tỉ USD.

Trong chuyến đi này của Thủ tướng Modi, Ấn Độ dự kiến sẽ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Nếu thành công, đây sẽ là một “chiến thắng” của Nga khi họ giành được đối tác Ấn Độ trước sự thèm muốn của Mỹ. Ấn Độ hiện là thị trường nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, theo Bloomberg.

Hồi tuần trước, Ấn Độ đã duyệt kế hoạch mua 5 hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Hai bên sẽ tiếp tục thương thảo về mức giá, nhưng rất có thể sẽ chốt ở mức 4,5 tỉ USD, theo Bloomberg.

Trong khi đó, chuyên san quốc phòng IHS Jane’s dẫn lời Jon Grevatt, nhà phân tích quốc phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Nga và Ấn Độ có một quan hệ đối tác rất mạnh mẽ mà Mỹ đang rất mong muốn. Việc kinh doanh của Mỹ có thể linh hoạt, nhưng doanh số bán hàng của Nga vẫn sẽ rất mạnh mẽ vì có nhiều chương trình hợp tác diễn ra giữa Nga và Ấn Độ”.

Theo Mỹ Đức

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm