1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nga chia lại thế giới trong... hòa bình

Nga đang trỗi dậy mạnh mẽ, từng bước chia lại trật tự thế giới tại các khu vực khiến Mỹ và phương Tây đứng ngồi không yên.

Nước Nga trỗi dậy không phải là mối đe dọa

Ngày 5/5, phát biểu trong buổi họp báo, Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov tuyên bố một nước Nga đang trỗi dậy không phải là một mối đe dọa đối với bất cứ ai nhưng nước này không thể phớt lờ những hành động đe dọa mình và sẽ bảo vệ các lợi ích của Moskva.

“Chúng tôi nhắc lại rằng một nước Nga trỗi dậy không phải là mối đe dọa đối với bất cứ ai.

Tuy nhiên, Nga chắc chắn không thể phớt lờ bất cứ hành động nào có khả năng làm dấy lên mối đe dọa trực tiếp hoặc tiềm tàng đối với các lợi ích quốc gia của Nga, và theo truyền thống, phía Nga sẽ bảo vệ những lợi ích của mình nếu cần”, ông Peskov khẳng định.

Ông Peskov khẳng định, nước Nga trỗi dậy không phải là mối đe dọa với bất cứ ai.
Ông Peskov khẳng định, nước Nga trỗi dậy không phải là mối đe dọa với bất cứ ai.

Tuyên bố của điện Kremlin được đưa ra ngay sau khi NATO lên tiếng về sự cần thiết phải tăng cường các lực lượng của liên minh quân sự này ở châu Âu để đối phó trước sự bành trướng ngày càng lớn của Moskva.

Trước đó, hôm 4/5, phát biểu tại lễ nhậm chức tại trụ sở NATO tại Brussels (Bỉ), Tướng Mỹ Curtis Scaparotti, Tân Tổng Tư lệnh NATO tại châu Âu, đã kêu gọi các thành viên liên minh này luôn sẵn sàng đối phó với mối đe dọa từ Nga và những kẻ khủng bố.

Vị tướng người Mỹ nhấn mạnh NATO đang phải đối mặt với một “nước Nga hồi sinh đang cố thể hiện là cường quốc thế giới”.

Từng đáp trả lại những cáo buộc từ NATO, Tổng thống Putin đã khẳng định chính NATO và Liên minh châu Âu (EU) mới “là mối đe dọa đối với Liên bang Nga”.

“Liên quan đến vấn đề Ai là mối đe dọa đối với ai? có lẽ chúng ta không nên quên rằng trong một vài năm gần đây tại Brussels và từ phía các thành viên NATO thường xuyên đưa ra những tuyên bố coi Nga là mối nguy hiểm, đe dọa đến an ninh các nước thành viên NATO”, ông Peskov nhấn mạnh.

Nga đang chia lại trật tự thế giới?

Thực tế hiện nay Nga đang dùng chính ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của mình để từng bước xóa bỏ mô hình thế giới đơn cực do Mỹ nắm giữ.

Thay vào đó, điện Kremlin đang chia cực lại thế giới và làm cho phương Tây phải hết sức e ngại.

Trong một tuyên bố trước báo giới hồi tháng 1 năm nay, Tổng thống Putin từng tuyên bố: “Mô hình sắp xếp thế giới đơn cực đã không còn diễn ra. Các dân tộc và các nước ngày càng lớn tiếng tuyên bố cương quyết tự xác định số phận của mình, gìn giữ sự văn minh và văn hóa của mình. Họ chống lại mưu đồ của một số nước bám lấy sự chi phối trong lĩnh vực quân sự, chính trị, tài chính và kinh tế, hệ tư tưởng”.

Còn nhớ, thời gian đầu khi Nga tiến hành các cuộc không kích chống IS tại Syria, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo Moskva đang đổ thêm dầu vào lửa ở Syria và “không chuyên nghiệp” khi chỉ thông báo với Mỹ vài giờ đồng hồ trước khi triển khai chiến dịch không kích.

Thế nhưng, chỉ vài tuần sau, không quân Nga chứng minh hiệu quả bằng những kết quả cụ thể với các mục tiêu của IS bị phá hủy từng ngày. Điều đó không chỉ chứng tỏ khả năng của Nga mà còn chỉ ra sự thất bại của Mỹ.

Không chỉ thế, bằng chính vai trò và ảnh hưởng ngày càng to lớn của mình tại khu vực Trung Đông, Nga đã từng bước tạo lập lại trật tự thế giới mới.

Nga đang từng bước tạo lập lại trật tự thế giới mới tại các khu vực
Nga đang từng bước tạo lập lại trật tự thế giới mới tại các khu vực

Thực tế hiện nay Moskva đã không còn tiếp tục coi là “bị cô lập hoàn toàn”. Thay vào đó hầu hết các cường quốc và các quốc gia khác có lợi ích đều muốn hợp tác với Nga.

Điển hình như các nước vùng Vịnh Persic và phe đối lập Syria, dù công khai chỉ trích Moskva nhưng vẫn tiếp tục đề nghị đối thoại với Nga.

Không chỉ thay đổi lập trường của các nước từng thân Mỹ tại Trung Đông như Iran, Syria, Israel, Nga còn tạo nên cơn chấn động tại Trung Đông khi bắt tay với Jordan.

Jordan, quốc gia được cho là bên không ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã có sự thay đổi bất ngờ. Tuy nhiên, sau những động thái tích cực từ Nga, chính quyền Amman đã đồng ý cùng Moskva thiết lập trung tâm chỉ huy tác chiến đặt tại Jordan, phụ trách chiến trường miền nam Syria.

Ngoài Trung Đông, hiện nay điện Kremlin cũng đang gia tăng ảnh hưởng của mình tại khu vực Bắc Cực, Baltic.

Bộ Quốc phòng Nga hồi tháng 10 năm ngoái đã thông báo về kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự khổng lồ tại vùng cực Bắc của Bắc Cực.

Theo đó, căn cứ trên có diện tích lên tới 140.000m2 và có thể đón tiếp 150 binh sĩ, cũng như lưu trữ đủ năng lượng và thực phẩm để họ có thể hoạt động trong vòng 1 năm rưỡi.

Đây là bước đi mạnh mẽ của Nga trong việc khẳng định chủ quyền tại Bắc Cực, nơi có nguồn tài nguyên dồi dào và vẫn bị coi là vô chủ.

Tổng thống Putin từng gọi Bắc Cực là vùng "lợi ích đặc biệt" của Nga. Chính phủ Nga còn có kế hoạch chi hơn 4,3 triệu USD để phát triển Bắc Cực trong giai đoạn 2015 - 2020.

Ngoài ra, Nga cũng đang tăng cường xây dựng các mối quan hệ hợp tác chiến lược với các nước thuộc cộng đồng SNG trong điều kiện bị Mỹ và phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt, cấm vận về kinh tế.

Đánh giá về trật tự thế giới hiện nay, Michael Gordon, một cây bút xuất sắc của tờ báo The New York Times viết: “Đó là một dấu hiệu khác cho thấy Nga đang tiến lên với sự khác biệt rõ ràng so với những gì mà chính quyền của ông Obama làm”.

Còn theo Giáo sư Williams thuộc Trung tâm Tình báo và chống khủng bố, thuộc Đại học Macquarie, về lâu dài Nga đang ở vị thế tốt hơn so với Mỹ.

Và khi “vượt mặt” Mỹ ở Trung Đông - một điểm nóng của thế giới, tức là Nga - dưới sự dẫn dắt của ông Putin tiến một bước dài trong việc lấy lại thế cân bằng trong cán cân quyền lực thế giới.

Theo Hòa Bình (Tổng hợp)

Đất Việt