1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga cảnh báo xung đột trực tiếp với NATO

Thành Đạt

(Dân trí) - Nhà ngoại giao Nga cảnh báo cuộc xung đột ở Ukraine đã đạt đến điểm có thể dễ dàng leo thang thành một cuộc xung đột toàn diện giữa Nga và NATO.

Nga cảnh báo xung đột trực tiếp với NATO - 1

Xe tăng của Nga khai hỏa (Ảnh: Sputnik).

"Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo tình hình khá nguy hiểm và có nguy cơ lớn xảy ra xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO", Phó đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky cho biết hôm 2/9.

Ông Polyansky nói rằng, NATO, liên minh do Mỹ dẫn đầu, đã hỗ trợ các lực lượng Ukraine bằng mọi phương tiện có thể, ngoại trừ việc triển khai quân trực tiếp.

Tuy nhiên, theo nhà ngoại giao Nga, Moscow đã nhận thấy "nhiều dấu hiệu cho thấy một số chuyên gia hướng dẫn, lính đánh thuê" ở Ukraine. Ông Polyansky cũng chỉ ra một số "thông điệp kỳ lạ" về cái chết của các sĩ quan và tướng lĩnh NATO.

"Điều đó làm dấy lên những nghi ngờ lớn. Chúng tôi không thể loại trừ khả năng họ (các chuyên gia NATO) đang tham gia vào một số hoạt động nhất định ở Ukraine", ông Polyansky nói, song không nêu trường hợp cụ thể.

Ông Polyansky cho rằng, tình hình hiện tại "rất tồi tệ" đối với quân đội Ukraine và "viện trợ của phương Tây là sự hỗ trợ duy nhất của họ". Theo nhà ngoại giao Nga, nhiều người ở Mỹ và những nơi khác "bắt đầu hiểu rằng chính quyền Kiev đang thua cuộc".

"Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Không có gì bị loại trừ trong bối cảnh xung đột ủy nhiệm căng thẳng giữa NATO và Nga", nhà ngoại giao Nga cảnh báo.

Trong khi đó, các nước phương Tây ủng hộ Ukraine vẫn khẳng định họ không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột, mặc dù đã gửi hơn 100 tỷ USD vũ khí cho Kiev.

Moscow từ lâu cáo buộc Mỹ và các đồng minh NATO trang bị vũ khí cho Ukraine, biến họ thành quân bài để đối đầu với Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cho rằng, xung đột ở Ukraine thực chất là cuộc đối đầu giữa Nga và toàn bộ bộ máy quân sự của phương Tây.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine cho thấy phương Tây là một bên trực tiếp tham gia vào cuộc chiến phối hợp chống lại Nga.

Theo ông Lavrov, trong khi một số lãnh đạo phương Tây bắt đầu nhìn nhận "tỉnh táo" hơn về bản chất cuộc xung đột ở Ukraine, Kiev tiếp tục kêu gọi viện trợ quân sự.

Xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ 2 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hối thúc các thành viên liên minh tiếp tục hỗ trợ để Kiev có thể giành chiến thắng trên chiến trường, từ đó có ưu thế trên bàn đàm phán với Nga.

Cả Nga và Ukraine đều tuyên bố không ủng hộ phương án đóng băng xung đột. Tuy nhiên, mỗi bên lại đưa ra các điều kiện hòa đàm khác nhau.

Kiev nêu rõ, điều kiện tiên quyết để tiến tới hòa đàm chấm dứt chiến sự là Nga phải rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine. Trong khi đó, Moscow nhấn mạnh, Ukraine phải chấp nhận "thực tế lãnh thổ mới" hay công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga.

Điện Kremlin cáo buộc Kiev không có thiện chí đàm phán và hiện tại Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài giải pháp quân sự để hoàn tất các mục tiêu chiến dịch đề ra ở Ukraine.

Theo RT