Nga cảnh báo vũ khí hạt nhân là "trò chơi nguy hiểm"
(Dân trí) - Quan chức Nga đã nêu quan điểm sử dụng vũ khí hạt nhân của Moscow, đồng thời cảnh báo phương Tây về việc viện trợ quân sự cho Ukraine.
"Người Mỹ đã lên tiếng (về những suy đoán của họ) rằng Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi chưa bao giờ làm điều này", Konstantin Gavrilov, đại diện phái đoàn Nga tại Vienna về kiểm soát vũ khí và an ninh quân sự, nói với kênh truyền hình Rossiya-24 hôm 28/9, khi bình luận về các cuộc thảo luận xung quanh khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine.
"Chúng tôi có những nguyên tắc và những học thuyết quy định vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng khi nào và ở đâu. Chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc đó. Và không nên suy đoán về vấn đề này", ông Gavrilov nhấn mạnh.
"Đây là những trò chơi rất nguy hiểm. Chúng tôi có thể giải quyết những thách thức hiện nay bằng các phương tiện mà chúng tôi có sẵn. Ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi đang phát triển", quan chức Nga nói thêm.
Phương Tây nhận định mối đe dọa hạt nhân ở Ukraine tăng lên gần đây, đặc biệt sau khi Nga sáp nhập 4 vùng ly khai ở Ukraine hồi năm ngoái. Nga hiện sở hữu kho dự trữ vũ khí hạt nhân hàng đầu thế giới.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nhiều lần đề cập tới học thuyết hạt nhân của Nga, trong đó nêu các trường hợp Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.
Theo ông Medvedev, trường hợp đầu tiên là Nga bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân. Trường hợp thứ hai là bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào khác được sử dụng để chống lại Nga hoặc các đồng minh của Nga. Trường hợp thứ ba là một cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu làm tê liệt các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga. Trường hợp thứ tư là khi xuất hiện hành động thù địch nhằm vào Nga và các đồng minh, gây nguy hiểm cho sự tồn vong của đất nước, dù chỉ bằng vũ khí thông thường, chứ chưa bao gồm vũ khí hạt nhân.
Liên quan tới việc Anh gửi đạn uranium nghèo cho Ukraine, ông Gavrilov cho biết đây là nguyên nhân gây lo ngại vì những vũ khí này làm ô nhiễm đất và khiến các vùng lãnh thổ rộng lớn không còn phù hợp để sử dụng.
"Đây là những vấn đề liên quan đến độc hại", nhà ngoại giao Nga cảnh báo.
Hồi tháng 9, Lầu Năm Góc công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 175 triệu USD sẽ bao gồm đạn pháo 120mm với lõi từ uranium nghèo dành cho xe tăng Abrams.
Đây là lần đầu tiên Washington chuyển đạn uranium nghèo cho Ukraine. Trước đó, chỉ có Anh cấp loại đạn này cho Ukraine để sử dụng cho xe tăng Challenger 2.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Moscow sẽ phản ứng "tương xứng" với việc Mỹ chuyển đạn uranium nghèo cho Ukraine.
Uranium nghèo là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu hạt nhân được sử dụng để sản xuất nhiên liệu hạt nhân hoặc vũ khí hạt nhân. Mặc dù mức độ bức xạ tương đối thấp nhưng loại đạn này vẫn có thể gây hại nghiêm trọng nếu sử dụng với số lượng lớn trong thời gian ngắn.
Uranium nghèo thích hợp để làm đạn xuyên giáp vì dễ cháy. Khi va chạm với mục tiêu cứng như xe bọc thép, mũi của loại đạn này sẽ giải phóng năng lượng nhiệt khiến nó bốc cháy đốt cháy đạn dược và nhiên liệu, sát thương tổ lái và có thể khiến xe đối phương phát nổ.