1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga cảnh báo khả năng tấn công sân bay NATO

Thành Đạt

(Dân trí) - Ukraine tìm cách bảo vệ các tiêm kích F-16 do phương Tây cung cấp trước các đòn tập kích của Nga, song Moscow tuyên bố tấn công các mục tiêu này.

Nga cảnh báo khả năng tấn công sân bay NATO - 1

Các máy bay chiến đấu F-16 (Ảnh: Getty).

Không quân Ukraine thông báo một số máy bay chiến đấu F-16 do các đồng minh NATO cung cấp sẽ được cất giữ tại các căn cứ không quân ở nước ngoài để tránh trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công của Nga.

"Có một số máy bay sẽ đến Ukraine. Một số lượng máy bay nhất định sẽ được cất giữ tại các căn cứ không quân an toàn, không phải ở Ukraine, để chúng không trở thành mục tiêu bị tấn công", ông Serhii Holubtsov, tham mưu trưởng Bộ tư lệnh không quân Ukraine, tuyên bố hôm 10/6.

"Đây sẽ là nguồn dự bị của chúng tôi để thay thế các máy bay bị lỗi trong quá trình bảo trì định kỳ nếu cần thiết, nghĩa là chúng tôi luôn có một số lượng máy bay nhất định trong đội bay đang hoạt động, tương ứng với số lượng phi công mà chúng tôi có. Nếu chúng tôi có nhiều phi công hơn, sẽ có nhiều máy bay hơn ở Ukraine", ông Holubtsov nói thêm.

Tuy nhiên, Nga tuyên bố vẫn coi các máy bay F-16 được phương Tây cung cấp cho Ukraine nhưng đồn trú ở nước ngoài là mục tiêu hợp pháp, nếu các tiêm kích này tham gia nhiệm vụ chiến đấu ở vùng chiến sự Ukraine.

Theo ông Andrei Kartapolov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, nếu các máy bay F-16 cất cánh từ các căn cứ nước ngoài và thực hiện các cuộc xuất kích và tấn công chống lại lực lượng Nga, cả máy bay chiến đấu và sân bay nơi máy bay đồn trú sẽ là "mục tiêu hợp pháp" của Moscow.

"Nếu chúng (F-16) không được sử dụng đúng mục đích đã định, chúng sẽ không phải là mục tiêu hợp pháp của lực lượng vũ trang Nga, nhưng nếu chúng tham gia vào các nhiệm vụ chiến đấu, chắc chắn chúng sẽ trở thành như vậy. Các sân bay nơi các máy bay này đồn trú cũng trở thành mục tiêu hợp pháp của lực lượng vũ trang Nga, với tất cả hậu quả đi kèm", ông Kartapolov cho biết.

"Về khả năng của chúng tôi trong việc bắn hạ (F-16), chúng tôi có thể bắn hạ bất cứ máy bay nào, ở bất cứ đâu", quan chức Nga cảnh báo.

Trước đó, ông Konstantin Gavrilov, trưởng phái đoàn Nga tại đàm phán Vienna về an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí, ngày 3/6 tuyên bố, việc các nước không thân thiện nỗ lực cho phép Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu F-16 là vấn đề an ninh rất nghiêm trọng đối với Nga. Vì vậy trong trường hợp những máy bay này xuất hiện trong không phận Ukraine, lực lượng Nga sẽ bắn hạ chúng.

Hồi tháng 4, Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo nói rằng, Moscow sẽ coi F-16 mà Ukraine sắp tiếp nhận là mối đe dọa hạt nhân và việc phương Tây chuyển giao chúng là hành động khiêu khích.

Ukraine chuẩn bị nhận hơn 60 máy bay chiến đấu F-16 từ Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy, theo Politico. Tuy nhiên, chính quyền Ukraine đã nhiều lần đề nghị các đồng minh hỗ trợ đào tạo thêm phi công vì tốc độ huấn luyện rất chậm chạp, không theo kịp số máy bay mà Kiev được cam kết viện trợ. Đây được xem là thách thức lớn của Ukraine trong thời gian tới.

Kiev đã được một số quốc gia cho phép sử dụng F-16 để tấn công vào lãnh thổ Nga, nhưng nếu Ukraine muốn vận hành hiệu quả tiêm kích này gần biên giới Nga, họ phải phá hủy hệ thống phòng không của Moscow để đảm bảo an toàn.

Ukraine có thể sẽ phải dùng vũ khí tầm xa để phá hủy hệ thống phòng không của Nga nhằm làm tiền đề cho việc đưa tiêm kích F-16 tới gần lãnh thổ Nga để tấn công.

Theo RT