1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga cảnh báo khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân

Thành Đạt

(Dân trí) - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Moscow có thể buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chiến dịch phản công của Ukraine thành công.

Nga cảnh báo khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân - 1

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev (Ảnh: Sputnik).

"Hãy tưởng tượng nếu chiến dịch phản công (của Ukraine) do NATO hậu thuẫn thành công và chia cắt một phần lãnh thổ của chúng tôi, chúng tôi sẽ buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân theo các quy tắc của một sắc lệnh từ tổng thống Nga", Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố hôm 30/7.

"Đơn giản là sẽ không có lựa chọn nào khác. Vì vậy, đối phương nên cầu nguyện cho các chiến binh của chúng tôi. Họ đang đảm bảo rằng ngọn lửa hạt nhân toàn cầu không bị đốt cháy", ông Medvedev nói.

Cựu Tổng thống Nga dường như đề cập đến một phần học thuyết hạt nhân của Nga, trong đó quy định trường hợp nước này sử dụng vũ khí hạt nhân. Trước đó, ông Medvedev nhiều lần đề cập tới học thuyết này.

Theo ông Medvedev, trường hợp đầu tiên là Nga bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân. Trường hợp thứ hai là bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào khác được sử dụng để chống lại Nga hoặc các đồng minh của Nga. Trường hợp thứ ba là một cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu làm tê liệt các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga. Trường hợp thứ tư là khi xuất hiện hành động thù địch nhằm vào Nga và các đồng minh, gây nguy hiểm cho sự tồn vong của đất nước, dù chỉ bằng vũ khí thông thường, chứ chưa bao gồm vũ khí hạt nhân.

Tháng 10/2022, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga có một học thuyết quân sự, trong đó quy định những trường hợp Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đảm bảo an ninh của người dân Nga. Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga, cho biết chính sách an ninh của Nga quy định rằng, Moscow sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu sự tồn vong của đất nước bị đe dọa.

Phương Tây nhận định mối đe dọa hạt nhân ở Ukraine có chiều hướng tăng lên, đặc biệt sau khi Nga sáp nhập 4 vùng ly khai ở Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson hồi năm ngoái.

Giới chức Nga từng nhiều lần tuyên bố sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ của nước này và các vùng lãnh thổ sáp nhập bằng mọi biện pháp có thể, kể cả vũ khí hạt nhân. Ukraine đang phát động chiến dịch phản công nhằm giành lại những vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.

Nga hiện sở hữu kho dự trữ vũ khí hạt nhân hàng đầu thế giới. Lực lượng răn đe của Nga gồm nhiều loại vũ khí chiến lược khác nhau, cả vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường, có thể sử dụng cho mục đích phòng thủ và tấn công. 

Phương Tây bày tỏ lo ngại rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác trên chiến trường Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh các lực lượng Nga tiếp tục đối mặt với tổn thất quân sự sau các cuộc giao tranh với lực lượng Ukraine.

Theo Reuters