1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga cảnh báo đanh thép phương Tây sau vụ phóng tên lửa không thể đánh chặn

Thành Đạt

(Dân trí) - Thứ trưởng Ngoại giao Nga tuyên bố Moscow đã gửi cảnh báo rõ ràng tới phương Tây sau vụ phóng tên lửa siêu vượt âm đời mới.

Nga cảnh báo đanh thép phương Tây sau vụ phóng tên lửa không thể đánh chặn - 1

Hệ thống phòng không S-400 của Nga (Ảnh: Sputnik).

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov ngày 28/11 tuyên bố, thông qua việc phóng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Oreshnik, Nga đã đưa ra lời cảnh báo rõ ràng tới phương Tây rằng: ngừng cung cấp vũ khí cho Kiev và kiềm chế các cuộc phiêu lưu quân sự tiếp theo.

"Thông điệp rất rõ ràng và thẳng thắn: dừng lại. Không nên hành động như vậy nữa. Đừng cung cấp cho Kiev mọi thứ họ muốn, đừng khuyến khích họ tham gia vào những cuộc phiêu lưu quân sự mới. Chúng quá nguy hiểm", ông Ryabkov nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với hãng tin RT.

"Đã đến lúc phải thừa nhận rằng Mỹ, NATO và những nước khác, những nước đang tham gia cuộc chơi cùng với Kiev, cùng với phương Tây, đã trở thành những bên tham gia hoàn toàn vào cuộc xung đột này", nhà ngoại giao Nga cho biết.

Thứ trưởng Ryabkov nhấn mạnh cam kết của Nga đối với các thỏa thuận với Mỹ liên quan đến việc thông báo về các vụ phóng thử tên lửa, khẳng định rằng các kênh liên lạc cần thiết vẫn hoạt động.

Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng các nước phương Tây đang đùa giỡn với ảo tưởng sai lầm rằng họ có thể giành được chiến thắng chiến lược trước Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tối 21/11 xác nhận trên truyền hình quốc gia rằng Moscow đã phóng tên lửa thế hệ mới Oreshnik vào thành phố Dnipro của Ukraine để đáp trả việc Kiev tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa phương Tây. Đây là tên lửa siêu vượt âm tầm trung, không mang đầu đạn hạt nhân.

Ông Putin cũng khẳng định Ukraine không có cách nào để đánh chặn tên lửa thế hệ mới này của Nga khi nó có tốc độ di chuyển nhanh gấp 10 lần âm thanh.

Tổng thống Nga xác nhận tên lửa Oreshnik, có thể đạt tốc độ từ 2,5 đến 3km/giây, nghĩa là không có hệ thống phòng không nào trên thế giới có khả năng đánh chặn.

Mặc dù tên lửa Nga phóng không mang đầu đạn hạt nhân nhưng tên lửa này dường như sử dụng nhiều đầu đạn để tấn công các mục tiêu riêng biệt.

Giới chức Mỹ và phương Tây cũng xác nhận tên lửa thế hệ mới của Nga mang nhiều đầu đạn.

Tổng thống Putin cho biết cuộc tấn công của Nga không sử dụng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), mà là một hệ thống tên lửa tầm trung được phát triển sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào năm 2019.

Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng cuộc tấn công của Nga để đáp trả việc Ukraine sử dụng hệ thống ATACMS và HIMARS do Mỹ sản xuất, cũng như tên lửa Storm Shadow do Anh sản xuất, để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Oreshnik không phải là tên lửa liên lục địa nên Moscow không có nghĩa vụ phải thông báo cho Washington mỗi lần tên lửa được phóng.

"Tuy nhiên, Trung tâm Giảm thiểu Mối đe dọa Hạt nhân Quốc gia hoạt động tự động và duy trì liên lạc liên tục với một hệ thống tương tự ở Mỹ. Thông qua hệ thống này, một cảnh báo tự động đã được gửi 30 phút trước khi phóng", người phát ngôn Điện Kremlin giải thích.

Theo Sputnik