1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến thuật của Nga để đánh chặn tên lửa ATACMS tấn công lãnh thổ

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga đang thực hiện mọi biện pháp cần thiết để thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không nhằm đánh chặn tên lửa ATACMS của Mỹ cấp cho Ukraine.

Chiến thuật của Nga để đánh chặn tên lửa ATACMS  tấn công lãnh thổ - 1

Một tên lửa ATACMS khai hỏa (Ảnh minh họa: AFP).

"Về năng lực phòng thủ tên lửa và phòng không của chúng ta liên quan đến vũ khí có độ chính xác cao, cụ thể là tên lửa ATACMS, các biện pháp đánh chặn đã được thiết lập chi tiết, nhưng hiệu quả còn phụ thuộc vào các yếu tố cụ thể ở từng khu vực khác nhau. Bởi vì các vũ khí này không chỉ nhắm mục tiêu, mà thậm chí nhắm mục tiêu chủ yếu vào các cơ sở quân sự, mà còn cố gắng tấn công các tòa nhà dân cư và cơ sở hạ tầng dân sự", Alexander Stepanov, giám đốc chương trình của Viện Hàn lâm Khoa học Chính trị, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Mỹ Latinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nói với hãng tin Tass (Nga).

Ông Stepanov cho biết Nga đang thực hiện mọi nỗ lực "để thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không đa tầng có khả năng đảm bảo đánh chặn tên lửa ATACMS và tất cả các loại vũ khí khác".

Ông Stepanov chỉ ra rằng "biện pháp này cũng áp dụng cho các hệ thống tên lửa tầm trung có độ chính xác cao như Tomahawk và các loại vũ khí khác mà các nước NATO có thể cung cấp cho Ukraine".

Chuyên gia Nga cũng nhấn mạnh không có hạn chế nào đối với việc Nga sử dụng vũ khí như tên lửa Oreshnik để đáp trả các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga. "Đặc biệt là khi xem xét rằng chính quyền Kiev đang sử dụng các chiến thuật tấn công các khu vực và dân thường Nga", ông Stepanov chỉ rõ.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 26/11 thông báo, trong vòng 3 ngày qua, quân đội Ukraine đã tiến hành 2 cuộc tấn công tầm xa vào vùng Kursk của Nga bằng vũ khí của phương Tây.

Ngày 23/11, Kiev được cho là đã bắn 5 tên lửa ATACMS do Mỹ viện trợ vào khu vực lân cận làng Lotaryovka, cách thành phố Kursk khoảng 37km về phía Tây Bắc, nhắm vào vị trí của sư đoàn tên lửa phòng không S-400.

Đến ngày 25/11, Kiev phóng tiếp 8 tên lửa ATACMS khác vào căn cứ không quân Kursk-Vostochny, nằm gần làng Khalino.

7 trong số các tên lửa đã bị bắn hạ bằng hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, tên lửa phòng không Pantsir và hệ thống pháo phòng không. Tuy nhiên, một trong những tên lửa đã tiếp cận được mục tiêu.

Đầu tuần trước, Moscow đã phóng tên lửa siêu vượt âm tầm trung thế hệ mới Oreshnik để đáp trả việc Ukraine dùng tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất để tấn công Nga. Nga tuyên bố Oreshnik là tên lửa thế hệ mới có tốc độ gấp 10 lần âm thanh và hiện tại không hệ thống phòng không nào có khả năng đánh chặn.

Nhà Trắng xác nhận Mỹ đã chấp thuận để Ukraine sử dụng tên lửa chiến thuật ATACMS tập kích mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Washington coi đây là biện pháp giúp Kiev tự vệ.

ATACMS là tên lửa đạn đạo bay theo quỹ đạo parabol với tốc độ cao, có thể mang theo đầu đạn nặng gần nửa tấn và có sai số hồng tâm chỉ vài mét. Nga tuyên bố hệ thống phòng không của Nga có thể chống lại được dòng tên lửa này, nhưng Ukraine trước đó từng tuyên bố đã dùng ATACMS để phá hủy các lá chắn thép của Nga.

Theo thống kê của Kyiv Post, Ukraine dường như đã nhận chưa tới 50 quả ATACMS các phiên bản từ tầm bay 150-300km trong hơn một năm qua. Chưa rõ số lượng ATACMS đã bắn ra, tuy nhiên điều đó có nghĩa là số lượng tên lửa của Ukraine dường như thấp hơn số lượng mục tiêu của Nga trong tầm tấn công 300km của vũ khí.

Theo Tass

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm