Nga bí mật tung quân và UAV sang Ai Cập làm gì?
Mặc dù Quốc hội Nga bác thông tin Nga đã đưa quân và máy bay không người lái sang Ai Cập, nhưng giới chuyên gia cho rằng, đó là sự thực.
Phương Tây cáo buộc Nga đưa quân sang Ai Cập
Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện Nga) ngày 14/3 đã bác bỏ tin tức của hãng thông tấn Anh Reuters về việc quân đội nước này đã gửi quân và các trang bị, vũ khí đến Ai Cập.
Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban các vấn đề quốc tế thuộc Hội đồng Liên bang Vladimir Dzhabarov nói với Sputnik rằng, Nga không gửi chuyên gia quân sự và thiết bị bay không người lái (UAV) đến căn cứ không quân ở Ai Cập, mọi tin tức truyền thông về đề tài này là thông tin giả mạo.
Trước đó, hãng Reuters dẫn các nguồn tin quân sự-ngoại giao “ẩn danh” của Mỹ và Ai Cập đưa tin, Nga đã điều động 22 chuyên gia quân sự và một số lượng không xác định máy bay trinh sát không người lái tới căn cứ không quân ở Ai Cập, gần biên giới với Libya.
Tuy nhiên, hãng thông tấn Anh đã không đưa ra bất kỳ xác nhận nào về thông tin này, trong khi đó, giới chức lãnh đạo quân đội Ai Cập dứt khoát phủ nhận tin tức đó.
Trước đó, cũng có tin là Nga đang siết chặt quan hệ với Ai Cập nhằm vào việc tái lập căn cứ không quân Xô-viết tại thành phố Sidi-Barrani. Đây là thành phố biển rất quan trọng nằm trên dải bờ biển phía Tây Bắc của Ai Cập, ven bờ phía nam của Địa Trung Hải, nằm khá gần kênh đào Suez, nối liền Địa Trung Hải với Biển Đỏ.
Theo bình luận viên Alexandr Khrolenko, một cây bút bình luận chính trị của MIA Rossiya segodnya và Sputnik/Nga, trong chiến lược tăng cường sức mạnh của hải quân Nga trên toàn cầu, các căn cứ quân sự ở nước ngoài có vai trò tối quan trọng.
"Nga đã không làm điều đó, Bộ Quốc phòng không xác nhận điều này. Đây là tin tức giả mạo, không cần quan tâm đến nó" - Thượng nghị sĩ Dzhabarovnói và khẳng định rằng, những tin tức như vậy là yếu tố của cuộc chiến tranh thông tin, mà hiện nay phương Tây đang sử dụng để chống lại Nga.
Về phía mình, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang, ông Viktor Ozerov đánh giá những tin tức này là sự tiếp nối của những lời lẽ chống Nga và là nỗ lực nhằm làm mất uy tín của Moscow trong lĩnh vực sử dụng lực lượng vũ trang ở nước ngoài.
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga là bà Valentina Matvienko cũng từ chối thảo luận vấn đề thiết lập các căn cứ quân sự mới của Liên bang Nga ở nước ngoài, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận về thành lập căn cứ hải quân thường trực của Nga tại quân cảng Tartus của Syria.
Nga đưa quân sang Ai Cập làm gì?
Mặc dù giới chức lãnh đạo Nga đã phủ nhận những thông tin này nhưng liên hệ với những sự việc trước đó, giới phân tích cho rằng, những thông tin của Reuter có thể là sự thực, trước sau gì Nga cũng thừa nhận, nhưng không phải là vào thời điểm này.
Ví dụ như những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9/2015, khi Nga bắt đầu bí mật đưa vũ khí, trang bị và quân nhân sang Syria, Moscow đã phủ nhận những bằng chứng của phương Tây về việc các vũ khí Nga đã hiện diện ở Syria. Sau đó, khi bắt đầu mở chiến dịch không kích khủng bố IS ở Syria vào ngày 30/9/2015, Nga mới chính thức xác nhận điều này.
Theo tin của Reuter, Nga đã đưa quân sang một căn cứ ở miền Tây Ai Cập, giáp bờ biển Địa Trung Hải. Do đó, giới chuyên gia nhận định rằng, đó chính là căn cứ không/hải quân ở Sidi-Barrani - căn cứ cũ của hải quân Liên Xô mà Nga đang muốn khôi phục sự hiện diện.
Đây là thành phố biển rất quan trọng nằm trên dải bờ biển phía Tây Bắc của Ai Cập, giáp với phía Đông của Libya. Giới phân tích nhận định, Nga đang đưa cố vấn quân sự và thiết bị trinh sát sang để chuẩn bị giúp đỡ lực lượng quân sự được họ hậu thuẫn ở miền Đông Libya.
Sau khi chế độ Muammar Gaddafi bị lật đổ vào tháng 10/2011, Libya đã trở nên vô cùng loạn lạc, xung đột giữa những nhóm chính trị và sắc tộc khác nhau bùng phát trên cả nước sau đó đã chia rẽ đất nước thành 2 nửa.
Nắm quyền ở Tripoli, quản lý khu vực phía Tây đất nước là Chính phủ quốc gia Libya, được các nước phương Tây hỗ trợ. Còn ở thành phố Tobruk bầu ra "Nghị viện Libya", quản lý khu vực phía Đông đất nước, chịu ảnh hưởng lớn của tướng Khalifa Haftar - lãnh đạo lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA).
Theo giới phân tích, Nga đang có quan hệ rất tốt với "Nghị viện Libya" ở thành phố Tobruk, do Tướng Khalifa Haftar lãnh đạo. Chính quyền phía Đông ngày càng vững chắc và LNA - dưới sự hậu thuẫn đắc lực của Nga, đang kiểm soát chặt chẽ nửa phía đông đất nước.
Hồi đầu tháng này, các nhóm phiến quân Huynh đệ Hồi giáo, al-Qaeda và Lữ đoàn bảo vệ Benghazi, dưới sự hậu thuẫn của chính quyền phía Tây và các nước NATO như Anh, Italy đã hợp lực đánh chiếm các khu vực dầu mỏ cùng hai cảng Ras Lanuf và Es Sidr ở phía Đông.
Do đó, Nga đã đưa lực lượng, trang bị đến Sidi-Barrani của Ai Cập, cách “thủ đô” của lực lượng miền Đông khoảng hơn 200km, để sau đó di chuyển sang Libya hậu thuẫn cho lực lượng của tướng Khalifa Haftar, bởi trước đó ông này đã đề nghị Nga cung cấp vũ khí, trang bị.
Các nguồn tin thân cận với chính phủ miền Đông Libya khẳng định, các quan chức hai bên đã thảo luận kế hoạch đưa Nga trở lại Trung Đông và Bắc Phi, đồng thời chính quyền phía Đông sẽ cho Nga triển khai hai căn cứ quân sự ở hai trọng điểm Tobruk và Benghazi của Libya.
Trước đó, vào hồi tháng 9/2016, tướng Khalifa Haftar đã gửi thông điệp tới Moscow, yêu cầu Nga bắt đầu cung cấp các loại vũ khí và trang thiết bị cho LNA để phục vụ cuộc chiến chống khủng bố IS và al-Qaeda.
Giới phân tích nhận định, sau những hỗn loạn kể từ khi nhà lãnh đạo Lybia Muammar Gaddafi bị giết trong cuộc chiến ở Syria (với sự tổ chức và hậu thuẫn của phương Tây), việc chính phủ Libya không ngăn nổi sự sụp đổ của nhà nước vào năm 2015 là "một cơ hội cho Moscow".
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh chính trị rối ren ở Libya, Nga sẽ triển khai một số căn cứ quân sự ở phía Đông Libya, vừa giúp họ đánh các tổ chức khủng bố IS và al-Qaeda, vừa ngăn chặn các thế lực quân sự phía Tây thôn tính toàn bộ đất nước Libya, biến Libya thành tiền đồn của nước này ở Bắc Phi.
Theo Thiên Nam
Đất Việt