1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga bắt đầu xây dựng căn cứ Tartus/Hmeymim

Theo giới chức lãnh đạo Nga, nước này đã bắt đầu công việc tu bổ quân cảng Tartus của Syria trở thành một căn cứ hải quân thường trực.

Nga bắt đầu xây dựng căn cứ hải quân Tartus

Ngày 13/3, giới truyền thông cho biết, Nga đã ra mắt việc tu sửa, hiện đại hóa căn cứ hải quân của mình tại quân cảng Tartus nằm bên bờ biển Địa Trung Hải, thuộc tỉnh tây Bắc của Syria là Latakia.

Ông Viktor Ozerov, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Liên bang Nga thông báo rằng, nước này đã bắt tay thực hiện kế hoạch tu bổ cảng Tartus, nằm trong chương trình hiện đại hóa cơ sở bảo trì hải quân này thành một căn cứ hải quân thường trực của Liên bang Nga.

Hiện Nga đang tiến hành các hoạt động rà soát an ninh, an toàn trong toàn bộ khu vực dự định sẽ mở rộng để biến Trạm hậu cần hải quân này thành một căn cứ có thể tiếp nhận các chiến hạm cỡ lớn. Công cuộc hiện đại hoá cơ sở hải quân sẽ được bắt đầu vào cuối năm 2017.

Các công trình khảo sát đã được đưa ra, bao gồm cả các hạng mục được kết nối đặc biệt với việc xây dựng đường ống dẫn nhiên liệu. Hiện Nga đã bắt đầu chuẩn bị tài liệu và dành cho các công ty Syria suất tham gia thực hiện một số hạng mục công trình hiện đại hóa.

“Chúng tôi đã bắt đầu củng cố các cầu, bến cảng, bãi neo và xây dựng lại các cơ sở tạm thời của các đơn vị bảo đảm an ninh thành những địa điểm cố định vững chắc" - hãng tin Nga Sputnik trích lời ông Ozerov cho biết.

Sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, Nga đã đóng cửa hàng loạt các căn cứ của quân đội Liên Xô ở nước ngoài. Chỉ còn Trạm hậu cần-kỹ thuật ở cảng Tartus của Syria là căn cứ hỗ trợ duy nhất của Hải quân Nga ở Địa Trung Hải, đồng thời cũng là cơ sở duy nhất của quân đội Nga ở nước ngoài.

Vào tháng 1/2017, Nga và Syria đã ký một thoả thuận về việc mở rộng và nâng cấp cơ sở bảo trì hải quân Nga ở Tartus trở thành một căn cứ hải quân thường trực, có khả năng tiếp nhận các chiến hạm hàng vạn tấn.

Nga đã xây dựng 2 căn cứ không/hải quân ở Latakia-Syria
Nga đã xây dựng 2 căn cứ không/hải quân ở Latakia-Syria

Thỏa thuận sẽ có hiệu lực trong 49 năm và sẽ tự động được gia hạn cho giai đoạn 25 năm sau đó.

Trước đây, do Tartus chỉ là trạm hậu cần-kỹ thuật nên các tàu chiến Nga không thể neo đậu ở đây, do đó Hạm đội Biển Đen thường xuyên phải thay quân. Tàu chiến của Hạm đội biển Đen Nga ra vào Địa Trung Hải đều phải thông qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ.

Các hoạt động tiếp tế, vận chuyển vũ khí trang bị cho cảng Tartus và thay quân cho nhóm tàu Địa Trung Hải đều phải thông qua eo biển này. Nga chỉ có một tàu sân bay Kuznetsov nên không thể triển khai hoạt động thường xuyên ở Địa Trung Hải bởi không có cảng đứng chân.

Trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ đang căng thẳng cực độ, nhất là nếu Lầu Năm Góc có ý định tấn công quân sự phủ đầu Syria, eo biển yết hầu Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị NATO phong tỏa ngay lập tức.

Khi đó, Hạm đội Biển Đen của Nga sẽ bị nhốt chặt, không thể chi viện lực lượng, phương tiện và hậu cần cho biên đội tàu Nga ở Địa Trung Hải và Syria. Do đó, việc có một lực lượng không/hải quân đồn trú ở Địa Trung Hải là điều quan trọng lâu dài nhưng cũng mang tính cấp bách trước mắt.

Nga tăng cường hiện diện quân sự, khống chế Trung Đông-Địa Trung Hải

Tỉnh Latakia có vị trí địa-quân sự mang tính chiến lược, bởi phía tây giáp Địa Trung Hải (có căn cứ hậu cần hải quân Nga ở Tartus), phía Bắc giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, phía nam giáp biên giới với Lebanon, phía Đông Bắc giáp tỉnh Idlid, phía Đông giáp tỉnh Hama, phía Đông Nam giáp tỉnh Homs.

Theo giới quan sát, việc ký kết hiệp định thường trú và xây dựng căn cứ quân sự ở Syria trước hết là nhằm mục đích lập chỗ đứng chân chắc chắn ở Địa Trung Hải, sau nữa là bảo vệ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad - đồng minh duy nhất của Nga ở khu vực này.

Sự hiện diện vĩnh viễn của không quân/hải quân Nga không chỉ đơn thuần là sự trợ giúp quý báu đối với đất nước Syria, mà nó còn là bảo đảm an ninh cho khu vực Biển Đen của Nga, đồng thời có vai trò rất quan trọng đối với hòa bình ở khu vực Trung Đông và vùng biển Địa Trung Hải.

Hiện nay, Nga chỉ có đồng minh duy nhất là Syria, và cũng là nước duy nhất mà Nga có căn cứ quân sự ở khu vực Trung Đông. Sự tồn tại của căn cứ quân sự ở Syria là điều mang tính biểu tượng đối với Moscow. Một khi đã mất chỗ đứng chân cuối cùng, đến bao giờ Nga mới lại khôi phục được địa vị của mình ở đây?

Vận mệnh của Syria và sự tồn tại căn cứ quân sự của Nga có mối quan hệ biện chứng với nhau. Để giữ vững chính quyền Syria, trước hết Nga phải hiện diện quân sự đầy đủ và mạnh mẽ ở đây và ngược lại, để những căn cứ này được bảo đảm tương lai vững chắc, Nga phải bảo vệ được chính quyền Assad.

Giới chức lãnh đạo quân sự Nga cho rằng, sự hiện diện của hải quân nước này tại căn cứ Tartus của Syria, nằm ở phía Đông Địa Trung Hải còn là điều cần thiết để duy trì trạng thái cân bằng Nga-NATO, đã bị suy yếu sau sự sụp đổ của Liên Xô hơn 20 năm trước đây.

Căn cứ không quân Hmeymim của Nga ở Syria
Căn cứ không quân Hmeymim của Nga ở Syria

Có được căn cứ hải quân tác chiến ở Tartus, Nga có thể điều động một nhóm lớn tàu thuyền và cả tàu sân bay thường trực ở đây, đồng thời tập trung lượng lớn vũ khí, trang bị, hàng hóa nên không còn phải băn khoăn về việc một mai eo biển Bosphorus bị "khóa chết".

Việc mở căn cứ hải quân ở Tartus sẽ giúp Nga khống chế phần đông Địa Trung Hải, khóa lối vào Biển Đen, chặn đường ra kênh đào Suez của Hạm đội 5 và 6 Mỹ, cho thấy Nga đang thực hiện một chiến lược khống chế sức mạnh của hải quân NATO một cách hết sức bài bản.

Ngoài căn cứ hải quân Tartus, Quốc hội Nga cũng đã phê chuẩn Hiệp định do Tổng thống Nga Vladimir Putin đệ trình về việc triển khai vô thời hạn cụm không quân, thuộc lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga (VKS) ở sân bay Hmeymim, cũng thuộc tỉnh Latakia của Syria.

Trước đó, Nga cũng đã tiến hành gia cố các hạng mục cũ và triển khai xây dựng thêm một đường băng thứ 2 ở sân bay Hmeymim (nằm trong quần thể sân bay quốc tế Basel al-Assad), đồng thời tiến hành xây dựng, mở rộng sân bay quân sự này, biến nó trở thành một căn cứ không quân thực thụ.

Với việc xây dựng được cả căn cứ không quân và hải quân ở ven bờ Địa Trung Hải, Nga có thể thành lập một hạm đội hải quân, với đầy đủ máy bay và tàu chiến, đủ khả năng đối phó với bất cứ thách thức nào từ lực lượng quân sự Mỹ-NATO.

Theo Huy Bình

Đất Việt