1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nga tự tin về vành đai thép bảo vệ căn cứ Tartous/Hmeymim

Quan chức Nga khẳng định rằng, tổ chức khủng bố IS không thể tấn công vào căn cứ Hmeymim mà chỉ có thể tổ chức các vụ đánh bom cảm tử.

Khủng bố không thể tấn công vũ trang vào căn cứ Hmeymim

Theo Thông tấn xã nhà nước Syria SANA ngày 2/1, căn cứ hải quân Tartous (Tartus) - nơi lực lượng hải quân Nga trước đây mở một trạm Hậu cần-Kỹ thuật và mới được nâng cấp lên căn cứ hải quân tác chiến đã bị đánh bom liều chết vào hôm 1/1/2017.

Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở London-Anh) cho biết, 2 kẻ đánh bom liều chết đã tấn công vào căn cứ Tartous đúng thời điểm các nhân viên an ninh Syria đang đi tuần tra ở bên ngoài cảng này.

Các nhân chứng cho biết rằng, đã có 3 vụ nổ ở bên ngoài căn cứ được gây ra bởi 2 kẻ đánh bom liều chết kể trên. Vụ tấn công đã khiến ít nhất 2 quân nhân Syria thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Ngày 2/1, Hãng thông tấn Nga RIA Novosti dẫn tuyên bố của một sĩ quan cao cấp Nga cho biết, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) chỉ có thể tiến hành các vụ tấn công cảm tử bên ngoài chứ chúng không thể tập kích vào bên trong căn cứ hải quân Tartus.

Vì vậy, quân khủng bố không thể thực hiện đòn tập kích, chúng chỉ có thể tấn công liều chết - cách tấn công rất khó có thể ngăn chặn triệt để, không chỉ với Nga và cả Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào từng hứng chịu những đòn tấn công tương tự đều phải thừa nhận.

Viên sĩ quan cấp cao Nga nhấn mạnh, tại căn cứ chiến lược này, Nga đã triển khai hệ thống phòng vệ nhiều tầng bằng những hệ thống thiết bị bảo vệ chuyên dụng, kết hợp với các vũ khí hiện đại và những quân nhân tinh nhuệ nhất, cùng với những thiết bị trinh sát tiên tiến.

Nga triển khai nhiều lực lượng phương tiện để bảo vệ căn cứ quân sự ở Syria
Nga triển khai nhiều lực lượng phương tiện để bảo vệ căn cứ quân sự ở Syria

Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến chống IS ở Syria, bên cạnh 2 tiểu đoàn hải quân đánh bộ của Hạm đội Biển Đen, Nga đã điều sang Syria các hệ thống phòng không S-400, S-300 hay Pantsir-S, các hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander hay tên lửa bờ đối hạm K-300P Bastion P.

Tuy nhiên, đây là những trang bị để bảo vệ các căn cứ Hmeymim và Tartous chống lại các cuộc tấn công chính quy, còn khả năng IS sử dụng các loại máy bay hay tàu chiến để tấn công vào căn cứ tuy vẫn có thể xảy ra những xác suất vô cùng thấp.

Để trực tiếp bảo đảm cho căn cứ hải quân này không bị các cuộc tấn công của lực lượng IS, Nga đã điều động các vũ khí mạnh như xe tăng T-90, hệ thống rocket nhiều nòng BM-30 Smerch, các loại xe thiết giáp hạng nặng, nhưng quan trọng nhất là hệ thống trinh sát bảo vệ nhiều tầng lớp.

Hiện nay, Nga đang triển khai 3 lớp trinh sát xung quanh căn cứ quân sự, bao gồm các máy bay không người lái chiến thuật và trực thăng trinh sát; vừa quan sát bảo vệ căn cứ, vừa thực hiện nhiệm vụ trinh sát, giúp lực lượng không quân nước này khống chế chiến trường Syria.

Trong 3 lớp này, lớp thứ nhất và thứ 2 trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ căn cứ khỏi các cuộc tấn công bằng lực lượng quân sự của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo, còn lớp thứ 3 chủ yếu là tham gia trinh sát chiến trường, hỗ trợ Nga và quân đội Syria trong các chiến dịch quân sự.

3 lớp trinh sát bảo vệ căn cứ Nga ở Latakia

Lớp đầu tiên có nhiệm vụ bảo vệ các căn cứ của quân đội Nga tại Syria, gồm căn cứ không quân Hmeymim và căn cứ hải quân Tartus. Lớp trinh sát phòng thủ này có nhiệm vụ quan sát, thu thập thông tin, giúp ngăn chặn mọi nguy cơ tấn công vũ trang bất ngờ của IS.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các căn cứ này, Nga đã trang bị cho mỗi đơn vị phòng thủ căn cứ 4-6 máy bay trinh sát không người lái cỡ nhỏ lớp ZALA 421-08 (Strekoza - Chuồn chuồn), sử dụng động cơ điện, không gây tiếng ồn, phạm vi trinh sát khoảng 30km.

Lớp thứ hai có nhiệm vụ trinh sát, phát hiện các mục tiêu cơ động của IS, bao gồm 36 máy bay trinh sát không người lái lớp Yakovlev Pchela-1T và Orlan -10 (tương tự loại RQ-7 Shadow của Mỹ) hoạt động ở độ cao 2.500-3.600m, phạm vi trinh sát khoảng 60km.

Tướng Mỹ Breedlove khẳng định là vệ tinh Mỹ đã chụp được hình ảnh các máy bay trinh sát không người lái Pchela-1T cất cánh từ sân bay Latakia để thực hiện các hoạt động do thám ở miền bắc Syria. Ngoài ra, Mỹ còn phát hiện cả loại Dozor 600 (tương tự loại MQ-1B của Mỹ).

Tướng Breedlove cho rằng, các máy bay không người lái thuộc lớp thứ 2 có phạm vi bao quát rộng, được trang bị các thiết bị trinh sát tối tân, đặc biệt là bộ cảm biến chuyển động, giúp phát hiện hình ảnh một phiến quân đang di chuyển từ khoảng cách hơn 700m.

Máy bay trinh sát không người lái Dozor 600 của Nga tham gia bảo vệ các căn cứ ở Syria.

Những máy bay này có khả năng hoạt động cả ngày lẫn đêm. Nhiệm vụ cụ thể của chúng là phát hiện các căn cứ của phiến quân để chỉ điểm cho lực lượng không quân ném bom, đồng thời phát hiện những hoạt động điều chuyển lực lượng, trang bị của khủng bố IS và phiến quân đối lập về phía căn cứ.

Lớp trinh sát thứ ba là các phi đội trực thăng tấn công, được trang bị các hệ thống trinh sát, phát hiện mục tiêu hiện đại. Lực lượng này bao gồm 16 trực thăng Mi-24PN, Mi-35M, Mi 8AMTSh, được trang bị các bộ cảm biến hồng ngoại và điều khiển hỏa lực, có khả năng tự tìm kiếm và tiêu diệt mục tiêu.

Lớp trinh sát thứ 3 này còn được bổ sung một máy bay trinh sát cỡ lớn Il-20M và máy bay trinh sát tiên tiến nhất Tu-214R. Đây là những máy bay trinh sát hiện đại nhất của Nga, được trang bị các anten băng thông rộng, radar trinh sát đường không, thiết bị liên lạc vệ tinh…

Ngoài ra, có thông tin cho rằng Nga còn điều sang Syria một máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm trên không Beriev A-50. Loại máy nay cũng có khả năng trinh sát đường không và mặt đất, giúp Nga phát hiện sớm các điểm tập trung quân, hướng tấn công của khủng bố.

Với những phương tiện trinh sát nhiều tầng, nhiều lớp như trên, có thể khẳng định rằng, IS không thể tổ chức các cuộc tấn công quy mô vào các căn cứ quân sự của Nga ở Latakia của Syria mà chỉ có thể tổ chức các cuộc tấn công khủng bố kiểu đặt mìn phá hoại hoặc đánh bom liều chết.

Theo Thiên Nam

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm