1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Sức nóng khí tài quân sự áp sát Syria sau cảnh báo tấn công của Mỹ

(Dân trí) - Sau cảnh báo tấn công của Mỹ nhằm vào Syria, các lực lượng của Mỹ và đồng minh được cho là đang áp sát quanh Syria trong khi Nga cũng có những động thái sẵn sàng ứng phó.

Tàu sân bay USS Harry S Truman của Hải quân Mỹ (Ảnh: Wikipedia)
Tàu sân bay USS Harry S Truman của Hải quân Mỹ (Ảnh: Wikipedia)

Theo Guardian, các tuyên bố trên mạng xã hội của Tổng thống Donald Trump trong những ngày gần đây cho thấy một cuộc tấn công mà Mỹ dự định tiến hành nhằm vào Syria đang đến rất gần, thậm chí nhà lãnh đạo Mỹ còn cảnh báo Nga “hãy sẵn sàng” đối phó với các tên lửa “mới và thông minh” của Mỹ. Tuy nhiên trên thực tế, các lực lượng hải quân của Mỹ và các nước khác tại khu vực xung quanh Syria dường như vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho một cuộc đối đầu căng thẳng.

Trước đó, Mỹ, Anh và Pháp đã cáo buộc lực lượng chính phủ Syria gây ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học khiến hàng chục người thiệt mạng ở thị trấn Douma thuộc Đông Ghouta ở ngoại ô thủ đô Damascus hôm 7/4. Tổng thống Donald Trump cảnh báo có thể tiến hành tấn công quân sự để đáp trả Syria, bất chấp việc cả Damascus và Moscow đều bác bỏ mọi cáo buộc.

Hải quân Mỹ

Mặc dù Tổng thống Trump liên tiếp đưa ra những tuyên bố cứng rắn với Syria, song Mỹ hiện vẫn chưa có bất kỳ nhóm tác chiến tàu sân bay nào hiện diện tại Trung Đông. USS Theodore Roosevelt, tàu sân bay chủ lực của Hải quân Mỹ từng được triển khai tới Trung Đông để tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Taliban, đã rời đi sau chiến dịch triển khai kéo dài 4 tháng.

Để thay thế vị trí của USS Theodore Roosevelt, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S Truman ngày 11/4 đã rời Norfolk, bang Virginia, Mỹ để tới Trung Đông. Nhóm tàu sân bay này được cho là sẽ không thể tới Địa Trung Hải sớm hơn thời điểm đầu tháng 5. Theo thông báo gửi phóng viên của Trung tướng Viktor Poznikhir, Phó Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tham mưu Các lực lượng vũ trang Nga, quân đội Nga vẫn đang theo dõi mọi diễn biến của tàu này.

Trong khi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt vẫn trong quá trình di chuyển, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Donald Cook của Mỹ đang hoạt động tại Địa Trung Hải dự kiến sẽ được triển khai để tiến hành bất kỳ cuộc tấn công bằng tên lửa nào nhằm vào Syria. Vào tháng 4 năm ngoái, Tổng thống Trump cũng từng chỉ đạo Hải quân Mỹ triển khai tàu khu trục lớp Cook để tiến hành cuộc không kích bằng 59 tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào căn cứ không quân của Syria sau khi cáo buộc lực lượng chính phủ Syria gây ra vụ tấn công hóa học khiến hàng chục người chết tại Idlib.

USS Porter, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường thứ hai thuộc lớp Arleigh Burke, được cho là cũng đang hiện diện tại Địa Trung Hải. Tương tự USS Donald Cook, USS Porter cũng mang theo kho vũ khí với khoảng 24 tên lửa hành trình Tomahawk sẵn sàng khai hỏa.

Một khả năng khác có thể xảy ra là Mỹ sẽ phóng tên lửa từ các tàu ngầm của nước này để tấn công các mục tiêu tại Syria. Tuy nhiên, vị trí của các tàu ngầm này hiện vẫn là thông tin bí mật.

Tàu chiến Nga

Cảng Tartus tại Syria (Ảnh: Getty)
Cảng Tartus tại Syria (Ảnh: Getty)

Nhiều tàu quân sự và thương mại từng được nhìn thấy neo đậu tại quân cảng Tartus được Nga thuê lại tại Syria, trong đó có 2 tàu ngầm lớp Kilo. Tuy nhiên, các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy hầu hết các tàu chiến của Nga tại cảng Tartus đã được di dời ra phía biển và Moscow được cho là chỉ còn giữ lại một trong số các tàu ngầm của nước này tại Tartus.

Như vậy, Nga hiện còn một tàu hộ vệ được trang bị các tên lửa hành trình Kalibr, một tàu tuần tra, một tàu lai dắt cứu hộ và một tàu ngầm tại quân cảng Tartus. Tương tự các căn cứ khác của Nga, quân cảng Tartus đang được bảo vệ dưới lá chắn của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400.

Một số nguồn tin cho biết Hạm đội Biển Đen của Nga đã được đặt trong tình trạng báo động cao, ít nhất từ giữa tháng 3, trong bối cảnh căng thẳng khu vực ngày càng leo thang. So với các lực lượng của Mỹ, Hạm đội Biển Đen của Nga đang ở vị trí gần với các bãi biển của Syria hơn.

Lực lượng Anh và Pháp

Anh hiện có 6 máy bay chiến đấu Typhoon, 8 máy bay Tornado GR4 và một máy bay tiếp dầu trên không Voyager tại căn cứ Akrotiri của Không quân Hoàng gia Anh trên đảo Cyprus ở phía Đông Địa Trung Hải - nơi rất gần Syria.

Theo BBC, một tàu ngầm của Hải quân Hoàng gia Anh được trang bị các tên lửa hành trình Tomahawk cũng đã được triển khai tới khu vực phía Đông Địa Trung Hải.

Nếu Pháp cũng tham gia chiến dịch tấn công Syria cùng Mỹ và Anh, nước này có thể sẽ trông cậy vào các máy bay chiến đấu Rafale hiện đại. Pháp có thể triển khai các máy bay này từ các căn cứ ở quê nhà và tiếp nhiên liệu trong quá trình bay.

Các nhóm tác chiến khác

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, các lực lượng quân sự khác trong khu vực cũng có thể được triển khai để tham gia cuộc đối đầu giữa các bên. Các lực lượng này có thể bao gồm quân đội Israel - lực lượng từng tiến hành hàng loạt cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Syria trong những năm gần đây, hoặc nhóm vũ trang Hezbollah với hàng chục nghìn tên lửa tại Lebanon - quốc gia láng giềng của Syria.

Hezbollah có thể sử dụng dàn tên lửa để tấn công các lực lượng Israel tại Syria. Cùng với Nga và Iran, Hezbollah là nhóm ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các lực lượng này có thể là mối đe dọa đáng kể với bất kỳ tàu chiến nào của Mỹ trong khu vực.

Thành Đạt

Theo Guardian

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm