1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga bác tin ông Putin và ông Trump điện đàm về Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Điện Kremlin bác bỏ thông tin cho rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về cuộc xung đột Ukraine.

Nga bác tin ông Putin và ông Trump điện đàm về Ukraine - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).

"Không có bất cứ cuộc điện đàm nào. Điều này không đúng với thực tế. Đây là hư cấu. Thông tin này sai sự thật", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phản hồi ngày 11/11 sau khi có thông tin Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm ngay sau bầu cử Mỹ.

Báo Washington Post dẫn nguồn tin ẩn danh ngày 10/11 nói rằng ông Trump đã gọi điện cho ông Putin hôm 7/11. Theo nguồn tin, trong cuộc điện đàm, Tổng thống đắc cử Trump đã đề nghị nhà lãnh đạo Nga "không leo thang" xung đột, nhắc nhở ông về sự hiện diện quân sự đáng kể của Mỹ ở châu Âu.

Ngoài ra, ông Trump và ông Putin còn nói về "mục tiêu hòa bình trên lục địa châu Âu", trong đó Tổng thống đắc cử Mỹ bày tỏ sự quan tâm đến các cuộc trò chuyện tiếp theo để nói về "sớm giải quyết cuộc chiến ở Ukraine". Bài báo không đưa ra thông tin chi tiết về phản ứng của phía Nga về đề nghị của ông Trump.

Ông Peskov gọi bài báo là một "ví dụ sinh động về chất lượng thông tin được xuất bản bởi một số cơ quan báo chí lớn ở Mỹ".

Người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh, hiện chưa có kế hoạch cụ thể cho bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa ông Putin và ông Trump.

Ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử hôm 5/11 trước ứng viên Dân chủ Kamala Harris. Trong chiến dịch tranh cử, ông nhiều lần tuyên bố có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine "trong vòng 24 giờ" sau khi đắc cử, thậm chí trước khi ông nhậm chức vào tháng 1 tới.

Ông từng tiết lộ về giải pháp của mình là sẽ gọi điện cho cả Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để đề nghị hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Nếu Moscow từ chối, Mỹ sẽ cung cấp nhiều vũ khí hơn cho Ukraine, ngược lại, nếu Kiev từ chối, Mỹ lập tức cắt viện trợ cho Ukraine.

Hồi tháng 9, ông Trump cũng nói rằng: "Vào ngày nhậm chức, tôi sẽ gọi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và nói với ông ấy: hãy ngồi vào bàn đàm phán. Nếu ông ấy từ chối, giá dầu sẽ xuống dưới 40 USD sau vài tháng nữa".

Tuy nhiên, Nga, bên hiện chiếm ưu thế trên chiến trường, cho biết sẽ chỉ chấp nhận một kết quả giải quyết được nguyên nhân cốt lõi của cuộc xung đột Ukraine. Theo Moscow, những điều đó bao gồm vấn đề NATO mở rộng hiện diện ở châu Âu và các chính sách phân biệt đối xử của Kiev đối với người Nga.

Trong khi đó, Ukraine khẳng định chỉ chấp nhận một hiệp ước hòa bình trong đó Nga rút hết quân, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và một số điều khoản khác.

Hiện chưa rõ chính sách của chính quyền Mỹ sắp tới, song Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực thúc đẩy viện trợ cho Ukraine trong những tuần cuối cùng, đồng thời kêu gọi chính quyền kế nhiệm tiếp tục hỗ trợ Kiev.

Theo RT, TASS

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm