1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga âm thầm dùng vũ khí không gian tại Syria

Không chỉ còn là sự nghi ngờ từ Mỹ, Nga đã công khai thừa nhận những thiết bị quân sự không gian cũng đã được huy động vào cuộc chiến tại Syria.

Mỹ nghi ngờ

Tạp chí Business Insider dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, hành trình bí ẩn của 3 vệ tinh Nga trong thời gian gần đây cho thấy, có thể Moscow đang âm thầm phát triển vũ khí không gian.

Nguồn tin cho biết, hồi giữa năm 2013 và 2015, vệ tinh của Nga đã khiến phương Tây bất ngờ khi chúng cơ động vào quỹ đạo thấp cho thấy mức độ cơ động tương tự như tàu vũ trụ nhỏ.

Mới đây nhất là ngày 20/4, một vệ tinh bất ngờ cơ động tránh vệ tinh khí tượng không sử dụng của Trung Quốc khi cách nó khoảng vài trăm mét. Vệ tinh của Trung Quốc đã bị nước này phá hủy trong vụ thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh gây tranh cãi vào năm 2007.

Chiến đấu cơ Nga tấn công khủng bố ở Syria.
Chiến đấu cơ Nga tấn công khủng bố ở Syria.

Và chính pha cơ động của Nga tránh vệ tinh Trung Quốc ở khoảng cách gần đang khiến phương Tây tìm lời giải. Các chuyên gia nói rằng vệ tinh bí ẩn của Nga có thể là mẫu thử nghiệm công nghệ, cũng có thể là tiền thân của vũ khí không gian.

Tạp chí Mỹ cho biết, 3 vệ tinh bí ẩn của Nga được xác định có tên mã là Kosmos-2491, Kosmos-2499 và Kosmos-2504 dường như đang chuyển động theo các mục tiêu cụ thể trong vũ trụ kể từ khi được phóng vào quỹ đạo.

Chuyên gia độc lập về tàu vũ trụ Nga, Anatoly Zak tuyên bố vệ tinh bí ẩn phù hợp với kích thước và hiệu suất của loại vệ tinh được biết đến với tên gọi Yubileiny.

Những vệ tinh này có thể sử dụng cho mục đích quân sự nếu xảy ra chiến tranh: "Bạn có thể lắp vũ khí laser, đặt vật liệu nổ vào bên trong, nếu phát nổ gần một vệ tinh có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng", Anatoly Zak cho biết.

Vũ khí không gian Nga thực chiến

Cùng với sự đồn đoán về sự bí ẩn của vệ tinh Nga, khi tấn công IS ở Syria, những thiết bị quân sự không gian cũng đã được Nga huy động. Theo Daily Beast, việc quân đội Nga triển khai các loại vũ khí không gian diễn ra âm thầm hơn nhưng đầy ấn tượng.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Moscow đã sử dụng 10 vệ tinh, tương đương 10% kho vũ khí không gian của Nga, để theo dõi mọi diễn biến ở Syria, xác định các mục tiêu, thu thập thông tin tình báo, bắn tín hiệu radio cho các lực lượng trên không, trên bộ và trên biển.

Theo tuyên bố của Tướng Valery Gerasimov, Tổng Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Nga, quân đội nước này còn sử dụng cả tàu không gian dân sự trong các chiến dịch do thám ở Syria. Trong khi đó, trang web Russia Beyond the Headlines khẳng định Nga “hiện triển khai lực lượng vệ tinh lớn nhất và hiệu quả nhất thế giới”.

Trên thực tế, Mỹ mới là quốc gia sở hữu kho vũ khí không gian lớn nhất với 400 vệ tinh trên quỹ đạo Trái Đất, bao gồm gần 200 vệ tinh quân sự. Mỹ đã sử dụng vệ tinh để định vị bom, gửi tín hiệu và thu thập thông tin tình báo từ nhiều thập niên qua.

Nga chỉ có khoảng 100 vệ tinh, bao gồm 50 vệ tinh quân sự. Tuy nhiên, trong những năm qua, Nga đầu tư rất mạnh vào vũ khí không gian. Các vệ tinh hiện đại nhất của Nga đang tham gia cuộc chiến ở Syria.

Theo nhận định của chuyên gia Anatoly Zak, người nghiên cứu chương trình vệ tinh của Nga, hiện có 10 vệ tinh Nga sử dụng ở Syria bao gồm vệ tinh bản đồ Bars-M, vệ tinh radio Garpun, vệ tinh nghe lén điện tử Lotos-S và hai vệ tinh hiện đại được trang bị máy quay độ phân giải cao Resurs-P2 và Persona.

Zak mô tả Persona là hệ thống vệ tinh quân sự thuần túy, được đánh giá là “vệ tinh do thám hiện đại nhất của Nga”. Resurs-P2 là phiên bản cấp thấp hơn của Persona, được sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự.

Vệ tinh Resurs-P2 có khả năng chụp ảnh chi tiết các vật thể trên bề mặt Trái Đất. Ước tính vệ tinh Resurs-P2 có thể chụp ảnh độ phân giải cao trên diện tích 8.000 km2 mỗi ngày.

Việc Nga trưng dụng những thiết bị quân sự không gian vào việc tìm và diệt lực lượng IS tại Syria đã tạo nên sự khác biệt rất lớn về phương pháp và hiệu quả không kích IS giữa Nga và Mỹ tại quốc gia Trung Đông này. Hiệu quả của Nga đã được chính người Mỹ thừa nhận.

Theo Đồng Tâm

Đất Việt