1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nét mới trong phòng thủ tên lửa của Mỹ

MDR của Mỹ nói rõ về các mục tiêu trong phòng thủ tên lửa, các tên lửa liên lục địa đa đầu đạn phân hướng và tên lửa với đầu đạn lượn siêu thanh.

 

Sơ lược về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ

Phòng thủ chống lại các tên lửa là một chủ đề quân sự và chính trị nóng bỏng, đặc biệt là ở Mỹ, trong mấy thập kỷ qua. Phòng thủ tên lửa quốc gia (tiếng Anh: National Missile Defense - NMD) của Hoa Kỳ là hệ thống liên hợp mang tính chiến lược bảo vệ nước Mỹ, chống lại sự thâm nhập của các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa bằng cách phát hiện và tiêu diệt chúng. Các tên lửa tấn công có thể bị chặn bằng các tên lửa khác hoặc bằng kỹ thuật laser ở gần bệ phóng, trong giai đoạn bay ngoài tầm khí quyển, hoặc ở giai đoạn cuối đi vào Trái Đất.

Nét mới trong phòng thủ tên lửa của Mỹ - 1..jpg

Hoạt động của hệ thống đánh chặn tên lửa. Ảnh: AFP.

 

Vào cuối thập niên 1950, chương trình Nike-Zeus sử dụng đầu đạn hạt nhân để chặn các tên lửa đạn đạo liên lục địa của Liên Xô. Tuy vậy, nó đã bộc lộ những hạn chế về mặt kỹ thuật, đó là khả năng gắn kết với các radar phòng thủ theo chuỗi. Mặt khác, việc làm nổ một đầu đạn hạt nhân trên không gian của các nước đồng minh không phải là điều lý tưởng. Năm 1963, Chương trình phòng thủ tên lửa quốc gia đầu tiên mang mật danh Sentinel đã được triển khai, nhưng do chưa có giải pháp cho việc bảo vệ các trạm vệ tinh, đã bị dừng.

Năm 1968, Tổng thống Nixon đã khôi phục chương trình Sentinel với mật danh mới SafeGuard, có nhiệm vụ bảo vệ các thành phố thay vì toàn bộ lãnh thổ Mỹ như trước đó. Tiền thân hệ thống NMD của Mỹ hiện nay là "Sáng kiến quốc phòng chiến lược" (viết tắt là SDI), hay còn được biết đến với cái tên "Star Wars" được thông qua dưới thời Tổng thống Reagan vào năm 1983 - được kỳ vọng sẽ tạo nên một lá chắn không thể xuyên thủng bằng việc trang bị laser dẫn đường và đầu đạn hạt nhân trên các vệ tinh để đánh chặn các tên lửa đạn đạo.

Năm 2005, hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã được xây dựng và đưa vào hoạt động. Tên lửa thuộc hệ thống này không mang đầu đạn hạt nhân mà dựa vào động năng của động lực để tiêu diệt tên lửa, được thiết kế để ngăn chặn tên lửa Scud và các loại vũ khí tương tự.

Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về Phòng thủ Tên lửa và Vũ trụ tổ chức tại Huntsville (bang Alabama), ngày 8/8/2018, Tướng Greaves - giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) Mỹ tiết lộ, 44 hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo trên mặt đất tại các bang Alaska, California và 210 hệ thống THAAD đã được triển khai. Quân đội Mỹ cũng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo lớp Aegis trên 36 tàu chiến. Theo MDA, cơ quan này được duyệt chi ngân sách phát triển tên lửa siêu thanh từ năm 2017 nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa.

Nét mới

Ngày 17/1/2019, tại Lầu Năm Góc, Tổng thống Trump đã công bố Đánh giá phòng thủ tên lửa (Missile Defense Review - MDR) dài 108 trang - một tài liệu mang tính cương lĩnh, liên kết chính sách phòng thủ tên lửa của Mỹ với các tài liệu chiến lược được phát hành trước đó. Kể từ lần công bố trước vào năm 2010, nhiều thứ đã thay đổi và lập trường của Mỹ cũng trở nên cứng rắn hơn. Việc công bố chiến lược mới này đã bị hoãn vào năm ngoái vì những lý do không giải thích được, khi ông Trump đang cố gắng thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Lần này, nó được công bố vào thời điểm khá nhạy cảm: Mỹ - Trung đang bị cuốn vào cuộc chiến thương mại căng thẳng; quan hệ Mỹ - Nga đang ở thời điểm rất xấu và chưa có dấu hiệu cải thiện.

MDR mới nói rất rõ về các mục tiêu trong vấn đề phòng thủ tên lửa, đề cập đến việc các tên lửa liên lục địa đa đầu đạn phân hướng và tên lửa với đầu đạn lượn siêu thanh, như Avangard của Nga đã được đưa vào sản xuất. Theo Trump, chiến lược có từ năm 2010 tập trung đối phó tên lửa xuyên lục địa mà Nga hay Trung Quốc có thể bắn đi, nhưng giờ đây, có thể được bắn từ Iran hay Triều Tiên. Điểm bất ngờ là Triều Tiên bị coi là “mối đe dọa đặc biệt”, trong lúc cách đây 7 tháng, chính ông đã cho rằng mối đe dọa này đã được loại bỏ.

 

Nét mới trong phòng thủ tên lửa của Mỹ - 2..jpg

Tên lửa đánh chặn. Ảnh: MDA.

 

Theo MDR 2019, các tên lửa tấn công nước Mỹ cần bị phá hủy ngay từ lúc vừa phóng đi chứ không phải khi tiếp cận các hệ thống đánh chặn đặt ở Alaska và California. Hệ thống phòng thủ do Tổng thống Mỹ đề xuất sẽ được bổ sung mạng lưới cảnh báo trên vũ trụ và tăng cường vũ khí đánh chặn mặt đất. Các khoản đầu tư mới đã được công bố trước đó nhằm tăng số lượng máy bay đánh chặn trong vài năm tới, tăng số lượng đồn trú tại Fort Greely, Alaska từ 44 lên 64. Có hai phương thức được dự kiến: Dùng chiến đấu cơ F-35, hay dùng drone được trang bị laser chống hỏa tiễn từ không gian.

Mỹ tính rằng, Nga sở hữu 1.550 đầu đạn chiến lược; Trung Quốc sở hữu 75 - 100 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa cùng 4 tàu ngầm tên lửa hạt nhân với 48 quả tên lửa đạn đạo và có khả năng tấn công Mỹ bằng 125 đầu đạn hạt nhân. Bắc Kinh đang phát triển các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tàu ngầm tên lửa hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược, vì thế, hệ thống phòng thủ tên lửa đang được phát triển ở Mỹ phải tính đến mối đe dọa từ Trung Quốc.

Hiện có 44 máy bay được triển khai cho lực lượng GBI (Lực lượng đánh chặn mặt đất) tại các căn cứ không quân Alaska và California. Các tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA mới được biên chế trên các chiến hạm trang bị hệ thống phòng thủ Aegis tối tân, cũng sẽ được trang bị cho lực lượng phi cơ đánh chặn. Theo đánh giá chung, các máy bay F-35 được bổ sung cho GBI sẽ là lực lượng nòng cốt cho việc chống lại các mối đe dọa bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đối với Mỹ.

Biến thể tên lửa SM-3 Block II chủ yếu được dùng để đối phó với các loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn 1.000 - 5.500 km. Nhằm mở rộng hệ thống phòng thủ chống ICBM tầm xa, hay các tên lửa có thể mang theo nhiều đầu đạn, các SM-3 không chỉ được triển khai trên không mà trong tương lai gần, cũng sẽ được tăng cường triển khai trên đất liền. Hệ thống phòng thủ được gắn trên F-35 có lợi thế hơn các hệ thống trên mặt đất và trên biển ở chỗ, chúng có thể tấn công các tên lửa tầm xa ngay khi chúng rời bệ phóng trong khoảng từ 3 đến 5 phút đầu tiên thuộc giai đoạn tăng tốc - thời điểm được coi là dễ tấn công nhất - khi các tên lửa chưa triển khai các biện pháp đánh lạc hướng và mồi nhử chống lại hệ thống đánh chặn.

 

Nét mới trong phòng thủ tên lửa của Mỹ - 3..jpg

Tên lửa đánh chặn của Mỹ rời bệ phóng trong một thử nghiệm. Ảnh: Không quân Mỹ.

 

F-35 Lightning II có hệ thống cảm biến phát hiện các dấu vết hồng ngoại của tên lửa và từ đó hệ thống xử lý thông tin có thể giúp F-35 xác định chính xác vị trí các tên lửa tấn công. Nó cũng sẽ truyền dữ liệu cho các đơn vị chỉ huy tác chiến và các đơn vị chiến đấu tiền phương thông qua hệ thống mạng chia sẻ dữ liệu. Với khả năng cơ động cao, F-35 sẽ là niềm hy vọng mới cho khả năng phòng thủ chủ động của Mỹ, cũng như các hoạt động tấn công phủ đầu.

Washington muốn tăng cường hệ thống phòng thủ quốc gia bằng việc bổ sung 20 tên lửa đánh chặn phóng từ mặt đất (GBI) và radar hỗ trợ, nâng tổng số đạn đánh chặn GBI lên 64 quả. Mỹ cũng lắp đặt hệ thống radar phân biệt mục tiêu tầm xa (LRDR), dự kiến vận hành năm 2021 ở bang Alaska để hỗ trợ Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD), đồng thời xây thêm các trận địa đánh chặn mới trên Thái Bình Dương vào năm 2023.

Để đối phó tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, Mỹ dự kiến triển khai thêm các tổ hợp tên lửa Patriot, Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), tàu chiến trang bị lá chắn phòng thủ Aegis và biến thể trên bộ Aegis Ashore trên toàn thế giới. Dự kiến đến năm 2022, lực lượng tàu trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis sẽ được nâng lên lên 60 tàu so với 38 tàu trong thời điểm hiện tại. Washington cũng tìm cách cải thiện khả năng tương tác giữa những hệ thống này với mạng lưới phòng thủ tên lửa của đồng minh và đối tác.

Lầu Năm Góc cho rằng cảm biến trên không gian là thiết bị duy nhất có thể nhận diện từ sớm để đánh chặn vũ khí siêu vượt âm được phóng lên không gian bằng tên lửa ICBM và lao xuống khí quyển theo quỹ đạo rất khó lường, khác với tên lửa đạn đạo thông thường. MDR đề xuất triển khai nhiều vệ tinh cảnh giới để phát hiện sớm mối đe dọa với nước Mỹ, cũng như nghiên cứu vũ khí không gian để hạ tên lửa ngay sau khi chúng rời bệ phóng. Mỹ cũng lên kế hoạch nghiên cứu ý tưởng thành lập căn cứ đánh chặn trong không gian, trên cơ sở đó, Mỹ có thể tấn công tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và vũ khí siêu vượt âm rời bệ phóng bắt đầu hành trình nhằm vào mục tiêu.

MDR 2019 hé lộ phần nào kế hoạch tăng cường khả năng đánh chặn của Mỹ để không chỉ bảo vệ lãnh thổ và quân đội Mỹ mà còn cả các đồng minh khỏi mối đe dọa từ tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và vũ khí siêu thanh của đối phương, cụ thể là Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, theo The Diplomat và chuyên gia của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, học thuyết phòng thủ tên lửa của Mỹ đã đi ngược lại với mục tiêu ban đầu mà Washington đặt ra chỉ là “phòng thủ”. Thay vào đó, văn bản này đang khuấy động Nga và Trung Quốc tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang.

Với quy mô lực lượng hạt nhân được đánh giá chỉ bằng một phần nhỏ của Mỹ, Bắc Kinh lo ngại về khả năng hệ thống cảm biến và đánh chặn hiện đại của dàn tên lửa phòng thủ Mỹ có thể vô hiệu hóa lực lượng vũ khí hạt nhân Trung Quốc, cũng như làm tê liệt hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này nếu không may hai nước xảy ra chiến tranh. Rõ ràng, MDR của chính quyền Trump sẽ là tác nhân khiến Nga và Trung Quốc có động thái "phản đòn" và đó là nguy cơ đẩy an ninh thế giới vào thế bấp bênh, khó tiên lượng.

Theo CTV Lê Ngọc

VOV