1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nepal: Nhiều người chạy khỏi thủ đô, số người chết tăng lên hơn 4.200

(Dân trí) - Nhiều người Nepal trong ngày 27/4 đã rời bỏ thủ đô Kathmandu, với mối lo ngại ngày càng tăng về tình trạng thiếu lương thực và nước uống. Trong khi đó, số người chết được thông báo đã tăng lên hơn 4.200.

Theo số liệu mới nhất từ các quan chức Nepal, số người chết hiện đã vượt 4.200 người, trong đó có 3.793 người địa phương, còn lại là du khách nước ngoài. 6.509 người khác bị thương. Động đất cũng khiến 90 người thiệt mạng tại hai quốc gia láng giềng với Nepal là Ấn Độ và Trung Quốc.

Lực lượng cứu hộ tại Nepal đang phải chạy đua với thời gian (Ảnh:
Lực lượng cứu hộ tại Nepal đang phải chạy đua với thời gian (Ảnh: ABC News)

Với mối lo ngại ngày càng tăng về thiếu hụt thực phẩm và nước uống, nhiều người dân đang đổ tới các cửa hàng và trạm xăng ở thủ đô Kathmandu để mua hàng tích trữ. Bên cạnh đó, mối lo ngại dịch bệnh bùng phát cũng ngày một lớn khi hàng chục nghìn người lo sợ đang sống tạm bợ trên các khu đất trống.

“Ngay lúc này, điều quan trọng đó là phải ngăn chặn một thảm họa khác bằng cách có các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh bùng phát trong số những người sống sót”, người phát ngôn quân đội Nepal Arun Neupane cho biết.

Nhiều gia đình đã ngồi chật các xe buýt, một số thậm chí ngồi cả trên nóc xe để rời khỏi thành phố, về quê nhằm kiểm tra thiệt hại tại đây. Trên nhiều tuyến đường, cảnh các bà mẹ bồng bế con trong khi chồng họ vác theo túi xách, đang mặc cả với lái xe xuất hiện ở khắp nơi.

Trong khi đó, các đội cứu hộ và viện trợ quốc tế đang đổ về vùng tâm chấn, với mục tiêu nhanh chóng tìm thêm người sống sót bên dưới các đống đổ nát. Nhiều chó nghiệp vụ, cùng các trang thiết bị cứu hộ hiện đại cũng được máy bay chở tới.

Elisabeth Byrs, một người phát ngôn của Chương trình lương thực Liên Hợp Quốc cho biết, cơ quan này sẽ triển khai một “chiến dịch quy mô lớn, phạm vi khổng lồ”, với chuyến bay đầu tiên chở theo thực phẩm sẽ hạ cánh trong ngày 28/4.

Hàng nghìn người Nepal mất nhà cửa đến nay buộc phải sống trong các lều bạt tại các bãi đất trống, trong khi một số khác không dám về nhà sau nhiều trận dư chấn mạnh.

“Đây đúng là ác mộng. Tại sao những đợt dư chấn không dừng lại?”, một cư dân 70 tuổi có tên Sanu Ranjitkar buồn bã nói, trong lúc đang phải thở ô xy và ngồi trong lều bạt.

Với chỉ những tấm vải bạt để che mưa nắng, nhiều người đang mòn mỏi chờ hàng cứu trợ, và thông tin hướng dẫn họ phải làm gì tiếp theo.

Rất nhiều người Nepal đã phải rời bỏ nhà cửa để lãnh nạn trong các lều tạm (Ảnh:
Rất nhiều người Nepal đã phải rời bỏ nhà cửa để lãnh nạn trong các lều tạm (Ảnh: AFP)

Một quan chức chính phủ cho biết hàng tấn nước sạch và các hàng hóa thiết yếu khác cần phải được chuyển tới những người sống sót, cũng như việc phải đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm cứu nạn bên ngoài thủ đô.

“Chúng tôi cần thêm trực thăng cho các chiến dịch cứu hộ tại các vùng nông thôn”, người phát ngôn Bộ nội vụ Laxmi Prasad Dhakal nói. “Chúng tôi cũng cần các hàng hóa thiết yếu như thực phẩm và nước sạch để cấp cho những người sống sót”.

Trong khi đó, quân đội Nepal cho biết việc cứu hộ người mắc kẹt trong các tòa nhà cao tầng đang gặp trở ngại do thiếu thiết bị cần thiết.

“Chúng tôi cần thêm thiết bị có thể phát hiện âm thanh và giúp tìm ra vị trí những người sống sót”, đại tá Naresh Subba nói.

Các nhân viên cứu hộ Nepal đang được tiếp sức bởi hàng trăm nhân viên cứu trợ nước ngoài, từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Singapore…

Chính phủ Trung Quốc đã đề xuất chi 3,3 triệu USD hỗ trợ nhân đạo cho Nepal, Bộ thương mại nước này công bố ngày 27/4. Ngoài ra, nước này sẽ điều các chuyên cơ mang theo lều bạt, chăn và máy phát điện tới vùng bị ảnh hưởng.

Trước đó, trong ngày Chủ nhật, Trung Quốc đã điều 62 nhân sự cùng 6 chó nghiệp vụ và các thiết bị y tế tới Nepal.

Trong khi đó, Ấn Độ là nước điều động lực lượng hỗ trợ lớn nhất, với hơn hai chục máy bay, gồm nhiều trực thăng, và gần 1000 nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp tới hỗ trợ Nepal.

Dù vậy, trong ngày thứ Hai, điều kiện thời tiết bất lợi đã ảnh hưởng đến việc hạ cánh của các máy bay Ấn Độ, trong đó có một máy bay vận tải C-130 chở nhiều thực phẩm, thiết bị y tế và hàng cứu trợ khác.

“Kathmandu nằm ở độ cao rất cao và xung quanh là đồi núi”, Rajesh, một chỉ huy của không quân Ấn Độ cho biết. “Thời tiết rất xấu và không an toàn cho việc triển khai chiến dịch, do đó chúng tôi buộc phải chuyển hướng. Chúng tôi sẽ thử lại và hy vọng thời tiết sẽ thuận lợi hơn”.

Tương tự, Singapore cũng đã điều 3 máy bay vận tải C-130 tới Nepal, mang theo hàng cứu trợ. Nhưng cả 3 chiếc đều phải chuyển hướng, do sân bay quốc tế Tribhuvan tại Kathmandu rơi vào cảnh tắc nghẽn, một phần do nhân viên sân bay không thể đi làm.

Theo thống kê của Bộ quốc phòng Singapore, tính tới 12 giờ ngày 27/4, 16 nước đã cam kết hỗ trợ Nepal, trong đó 6 nước đang có người và phương tiện tại đây.

Thanh Tùng
Theo AFP, CNA