Nepal - dân chủ đang trả giá bằng máu?
(Dân trí) - Hơn mười năm qua, trên 13.000 người dân Nepal đã chết bi thảm. Và bây giờ máu họ bắt đầu có cơ khơi mở những dòng chảy Dân chủ mới trong đời sống của một dân tộc đang kiết xác vì độc quyền, chuyên chế. Bài học cay đắng và tanh mùi máu này không còn là của riêng Nepal.
Tôi định dừng loạt bài viết về Nepal vì có thể đây chưa phải là mối quan tâm lớn của bạn đọc. Nhưng đúng lúc đó, hệ thống báo chí thế giới loan tin nhà vua đã xuống thang nhượng bộ nhân dân, lập lại quốc hội và chính phủ sau hàng chuỗi lê thê những biểu tình, khủng bố đẫm máu. Hơn mười năm qua, trên 13.000 người dân Nepal đã chết bi thảm. Và bây giờ máu họ bắt đầu có cơ khơi mở những dòng chảy Dân chủ mới trong đời sống của một dân tộc đang kiết xác vì độc quyền, chuyên chế. Bài học cay đắng và tanh mùi máu này không còn là của riêng Nepal.
Mẹ Nepal cúi lạy...
Ngày cuối cùng ở Nepal, nhập nhoạng sáng, tôi vội vã xuống phố gọi xe lôi tranh thủ lượn ra Hoàng cung một lần nữa. Cảnh tượng quanh khu lưu trú của Hoàng gia ảm đạm trong làn sương xám mỏng, nhiều thần khí của một mộ địa. Xe chạy qua bờ tường phía đông, tôi chợt nhìn thấy bóng một mẹ già quỳ mọp bên bức tượng thần Shiva nhỏ nằm ngay bờ thành. Ngỗ ngược thay, hơn hai mét thẳng trên đầu thần là một bốt gác được đắp bằng nhiều bao tải cát lớn, trên đó găm một họng súng trung liên lạnh lùng và gương mặt trung thành man dại của một cảnh vệ.
| |
Đàn áp vẫn diễn ra trên đường phố Kathmandu (Ảnh Hymalyan Times). |
Bất giác tôi gào lên: khốn nạn! Người đạp xe giật mình quay lại, anh hoảng hốt hơn khi thấy mặt tôi bét nhè nước mắt. Trời ơi sao trong tất cả các từ điển của loài người lại có hai chữ Nội Chiến đểu cáng là vậy? Ừ, đánh nhau chống giặc ngoại xâm là để bảo vệ Tổ quốc còn đành một lẽ. Nội chiến là cha giết con, là anh giết em, vợ giết chồng... mọi điều ấy đều có thể xảy ra và đã xảy ra trên hầu khắp địa cầu.
Thủ lĩnh của các bên đối lập, từ các chiến hào, ai cũng phất cao ngọn cờ quang minh, chính đại, những tuyên ngôn về hoà bình, tự do, bác ái cả những lời hùng biện về quyền... được chết một cách cao cả của muôn ngàn thứ dân. Chết cho một cái gì đó trong thời tương lai gần thì... chưa biết!?
Vua không còn là Vishnu
| |
Nước và dân chủ luôn thiếu với người dân Nepal. |
Lần thứ hai được ngồi lên ngai vàng vào hồi tháng 6 năm 2001 sau thảm hoạ đẫm máu trong Hoàng cung thì không ít người Nepal đã nghi ngờ về việc Thái tử Dipendra nã súng giết Quốc vương Briendra cùng một số thành viên Hoàng gia hay chính Gyanendra nguỵ tạo những cái chết để gây ra chính biến. Còn đến tháng tư năm nay, ông vua sinh năm 1947, cầm tinh con lợn này đã bị thần dân vẽ tặng cho thêm đôi tai nhọn, cái mõm tròn của dòng họ nhà trư kèm theo một câu chửi tục tằn viết nguệch ngoạc trên trang nhất tờ báo The rising Nepal tôi tình cờ nhặt được ở một quán ăn trên đường Freak.
| |
Ảnh biếm hoạ vua Nepal trên báo The Rising Nepal. |
Những năm qua, người dân Nepal chẳng thấy Gyanendra chỉ cho họ được điều gì ngoài việc truất bỏ Quốc hội, sa thải Thủ tướng để ôm gọn quyền lực. Đây là lần thứ hai Hoàng gia nắm quyền kể từ khi Nepal xoá bỏ nền Quân chủ chuyên chế và bầu Thủ tướng đầu tiên vào năm 1991. Không nghi ngờ gì nữa, thảm hoạ tàn sát nhân dân ở Nepal là hậu quả của một tình trạng độc quyền, không dân chủ.
| |
Nhà báo Xuân Bình tại Nepal. |
Nhưng có lẽ không chỉ riêng Nepal đâu, người đàn ông trầm hẳn giọng, mọi quốc gia nghèo khó trên trái đất này đều có chung một thứ vua, những thủ lĩnh ngu, tồi và tham quyền cố vị. Trong quán ăn Tip Top tồi tàn trên đường Freak, trong mắt rất nhiều du khách phương Đông, phương Tây, đôi mắt người đàn ông Nepal long lanh hơn trên gương mặt đen đúa, gầy guộc. Chúng giống như hai giọt nước mắt... rơi ngang!
Xuân Bình