1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nền quân chủ Anh sẽ chấm dứt vào năm 2030?

(Dân trí) - Một sử gia Anh cho rằng nền quân chủ của Anh sẽ kết thúc vào năm 2030 khi Nữ hoàng Elizabeth II không còn tại vị.

Các thành viên hoàng gia Anh chụp ảnh tại cung điện Buckingham (Ảnh: Rex Features)
Các thành viên hoàng gia Anh chụp ảnh tại cung điện Buckingham (Ảnh: Rex Features)

Tiến sĩ Anna Whitelock, phó giáo sư nghiên cứu lịch sử hiện đại tại Đại học Holloway Royal ở London (Anh) cho rằng những nghi vấn đặt ra về sự phù hợp của nền quân chủ trong xã hội Anh hiện đại lâu nay vẫn được giấu kín để thể hiện sự tôn kính đối với Nữ hoàng.

Bà Anna cho biết, những câu hỏi như người dân Anh mong muốn điều gì từ gia tộc hoàng gia không do dân bầu hay hoàng gia đại diện cho điều gì ở đất nước Anh ngày nay đều không được đặt ra công khai vì Nữ hoàng Anh vẫn đang còn đó.

Tuy nhiên, bà Anna, giám đốc Trung tâm lịch sử công London, cho rằng khoảng 20 năm nữa, khi Nữ hoàng không còn ngồi trên chiếc ghế cao nhất của hoàng gia Anh, nền quân chủ ở Anh có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.

“Tôi nghĩ rằng sẽ có những vấn đề được đưa ra thảo luận và tranh luận theo cách chưa từng có ở Anh trước đây”, bà Anna cho biết.

Cũng theo bà Anna, khi thế hệ những người lớn tuổi gắn bó chặt chẽ với nền quân chủ ở Anh qua đời, câu hỏi đặt ra về tương lai của nền quân chủ sẽ trở nên nóng hơn bao giờ hết, và khi ấy những ý kiến chỉ trích sẽ xuất hiện ngày một nhiều.

“Tôi cho rằng đến năm 2030, chắc chắn sẽ xuất hiện những tiếng nói mạnh mẽ hơn đòi chấm dứt nền quân chủ. Tôi không thể nói rằng tương lai sẽ không còn nền quân chủ nữa. Tôi chỉ muốn nói rằng, nền quân chủ, cũng như mục đích tồn tại của nó, sẽ bị hoài nghi và phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trước đây”, bà Anna nhấn mạnh.

Tiến sĩ Anna cho rằng nền quân chủ ở Anh rất có khả năng sẽ chấm dứt trong tương lai.

Sự ủng hộ của người dân Anh dành cho nền quân chủ nước này đạt mức cao nhất trong năm 2012, khi có tới 80% số người được hỏi ủng hộ nước Anh duy trì chế độ quân chủ. Trước đó vào năm 2005, khi đám cưới giữa Thái tử Charles và bà Camilla diễn ra, số người ủng hộ nền quân chủ ở Anh chỉ đạt 65%. Tuy nhiên, theo một phân tích của hãng Ipsos MORI, tỷ lệ người dân Anh ủng hộ nền quân chủ trong các năm còn lại thường ở mức trung bình là 73%.

Năm 2012, 90% công chúng Anh được hỏi cảm thấy hài lòng với những gì Nữ hoàng Anh đã làm trong vai trò người đứng đầu hoàng gia.

Tiến sĩ Anna cho rằng Nữ hoàng Anh xứng đáng nhận được sự tôn kính từ người dân vì những gì Nữ hoàng đã làm trong nhiều năm qua.

“Dù cho bạn có là người theo chủ nghĩa quân chủ hay không, tôi nghĩ, sẽ không ai nhắc đến việc xóa bỏ nền quan chủ khi Nữ hoàng vẫn đang tại vị”, nhà nghiên cứu lịch sử nước Anh nói.

Bà Anna khẳng định dù cho ai đó có phải là người ủng hộ nền quân chủ ở Anh hay không thì tất cả những người từng biết đến lòng trung thành và đức vị tha của Nữ hoàng đều có chung một cảm nhận rằng Nữ hoàng là một phụ nữ tuyệt vời.

“Sau tất cả, tôi nghĩ rằng tự mỗi người sẽ có đánh giá của riêng mình về vấn đề này”, Tiến sĩ Anna Whitelock nhận định.

Thành Đạt

Theo Independent