1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Né tránh "lời tạm biệt", Ngoại trưởng Pompeo tự tin trong chuyến công du bất thường

Chuyến công du nước ngoài 10 ngày của Ngoại trưởng Pompeo vừa qua dường như không phải để nói một lời tạm biệt mà là nhằm củng cố khi còn có thể những chính sách của chính quyền Tổng thống Trump với Trung Đông.

Né tránh lời tạm biệt, Ngoại trưởng Pompeo tự tin trong chuyến công du bất thường - 1

Ngoại trưởng Pompeo lầu đầu tiên đặt chân tới Cao nguyên Golan. (Nguồn: AP)

Người đứng đầu ngành ngoại giao của chính quyền Tổng thống Donald Trump phải làm gì khi các đồng minh Mỹ đang chuẩn bị và chờ đón một trang mới trong mối quan hệ với chính quyền Joe Biden, còn tổng thống đương nhiệm thì vẫn chưa chấp nhận thất bại? Đây chính là bài toán phức tạp mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phải tìm lời giải trong chuyến công du bất thường nhất kéo dài 10 ngày, một chuyến đi dường như để nói lời tạm biệt nhưng lại né tránh báo giới và vẫn nỗ lực thúc đẩy chính sách ngoại giao phá vỡ mọi chuẩn mực của ông Trump với khu vực Trung Đông.

Phá vỡ những điều kiêng kỵ

Sau Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia, điểm dừng chân thứ tư của ông Pompeo là Jerusalem, nơi ông đẩy mạnh chiến lược của Tổng thống Trump là ủng hộ tích cực cho Israel và gây áp lực tối đa với Iran.

Trong chuyến công du có thể là cuối cùng của mình trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, ông Pompeo đã phá vỡ những điều cấm kỵ và trở thành ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tới thăm một khu định cư của Israel ở Bờ Tây, cụ thể hơn là nhà máy sản xuất rượu vang Psagot. Ông cũng đã trở thành Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm Cao nguyên Golan, nơi đã bị Israel thôn tính từ tay Syria và được Tổng thống Trump công nhận.

Về phần mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ca ngợi “tình bạn lớn lao” của ông Pompeo, song với ý thức rõ ràng về tương lai, ông cũng đã điện đàm với ông Biden và đã có một cuộc đối thoại được văn phòng ông mô tả là rất “ấm áp”.

Ông Pompeo cũng nhấn mạnh thành tựu mang dấu ấn của Tổng thống Trump khi tham gia vào chuyến thăm đầu tiên đến Jerusalem cùng với Ngoại trưởng Bahrain, nước đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel hồi tháng trước.

Tiếp đó, ông tới thăm Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất, nước cũng đã bình thường hóa quan hệ với nhà nước Do Thái. Ngày 21/11, ông có mặt tại Qatar để gặp gỡ các nhà đàm phán của chính phủ Afghanistan và Taliban, sau đó kết thúc chuyến công du với chặng dừng chân cuối cùng tại Saudi Arabia.

Củng cố chính sách, khiến ông Biden khó đảo chiều

Ngày càng có nhiều đồn đoán về những hành động mạnh mẽ hơn của Mỹ chống lại Iran. Khi được hỏi về khả năng Mỹ đang cân nhắc một cuộc tấn công quân sự vào Iran, ông Pompeo được cho là đã trả lời rằng Tổng thống Mỹ “luôn có quyền làm những điều cần thiết để đảm bảo người Mỹ được an toàn”.

Trong khuôn khổ chuyến thăm các nước Arập Vùng Vịnh, ông Pomepo hôm 22/11 đã lên tiếng ca ngợi những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền Tổng thống Trump nhằm kiềm chế Iran, ngay cả khi có thể chính quyền mới của ông Joe Biden đang chuẩn bị bước vào Nhà Trắng. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đã sử dụng chuyến công du Trung Đông cuối nhiệm của mình nhằm củng cố chiến dịch “gây sức ép tối đa” lên Iran, dường như để cho ông Joe Biden khó có thể đảo ngược lại nó.

Tại Jerusalem, ông Pompeo phát biểu trong một tuyên bố rằng Washington sẽ duy trì chính sách “gây sức ép tối đa” để cô lập Iran và ca ngợi chính sách này là “cực kỳ hiệu quả”. Ông cảnh báo Mỹ có thể áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới trong “các tuần và tháng tới đây”.

Cũng trong chuyến công du, ông Pomepo cũng ca ngợi chiến lược Trung Đông của chính quyền Trump với sự tập trung vào Iran như một “mối đe dọa trung tâm của khu vực”, cũng như chiến dịch gây sức ép tối đa. Ông nhấn mạnh: “Đó vẫn là chính sách của chúng tôi cho đến chừng nào nhiệm kỳ của chúng tôi hoàn tất”.

Về phần mình, ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden từng nói ông muốn quay trở lại chính sách xích lại gần Iran. Giới phân tích cho rằng, ông Biden dự kiến sẽ sẵn sàng hơn trong việc thỏa hiệp với Iran nhằm tránh một sự leo thang nghiêm trọng, dù ông có thể sẽ vẫn gây sức ép với Iran về cả chương trình tên lửa chứ không chỉ hạt nhân.