1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

NATO trục xuất 8 "sĩ quan tình báo" Nga, Moscow dọa đáp trả

Thành Đạt

(Dân trí) - NATO đã trục xuất 8 nhà ngoại giao trong Phái đoàn đại diện của Nga tại NATO với cáo buộc hoạt động tình báo ngầm.

NATO trục xuất 8 sĩ quan tình báo Nga, Moscow dọa đáp trả - 1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trò chuyện khi Thủ tướng Anh Boris Johnson ngồi trước phiên họp toàn thể tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ (Ảnh: Reuters).

Một quan chức NATO ngày 6/10 cho biết, NATO đã yêu cầu phái đoàn của Nga giảm một nửa số đại diện tại tổ chức này từ 20 người xuống còn 10 người. Theo đó, 8 nhà ngoại giao cùng 2 nhân viên khác trong Phái đoàn đại diện của Nga tại NATO sẽ phải rời khỏi Brussels, Bỉ - nơi đặt trụ sở của NATO.

"Chúng tôi có thể xác nhận rằng chúng tôi đã giảm số lượng thành viên mà Liên bang Nga được chỉ định tại NATO xuống còn 10 người. Chúng tôi xác nhận đã rút lại việc công nhận 8 thành viên của phái đoàn Nga tại NATO, những người được xem là các sĩ quan tình báo không được khai báo của Nga", quan chức NATO cho biết.

Tuy nhiên, quan chức NATO khẳng định "chính sách của NATO với Nga vẫn nhất quán".

"Chúng tôi đã tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ để đáp lại các hành động gây hấn của Nga, đồng thời chúng tôi vẫn mở cửa cho một cuộc đối thoại có ý nghĩa", quan chức NATO cho biết.

Quyết định về việc cắt giảm một nửa thành viên của phái đoàn Nga tại NATO sẽ có hiệu lực vào cuối tháng này. Quyết định này được cho là đã được tất cả 30 nước thành viên NATO thông qua.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Leonid Slutsky ngày 6/10 tuyên bố Nga sẽ đáp trả quyết định trục xuất của NATO, song Moscow không nhất thiết phải có động thái đáp trả tương xứng.

Nga từ nhiều năm nay vẫn duy trì một phái đoàn quan sát viên tại NATO trong khuôn khổ Hội đồng NATO - Nga kéo dài hai thập niên, nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực an ninh chung, nhưng Nga không phải là thành viên của NATO - liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Phái đoàn của Nga từng bị cắt giảm trước đây, khi 7 thành viên của phái đoàn bị trục xuất sau nghi án cựu điệp viên hai mang người Nga, Sergei Skripal, và con gái của ông này bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok hồi năm 2018 ở Anh. NATO cũng từ chối tiếp nhận 3 thành viên bổ sung khác của phái đoàn Nga.

Mỹ và một số nước cáo buộc Nga đứng sau nghi án đầu độc cựu điệp viên, nhưng Moscow đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ. Vụ việc khiến căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang suốt thời gian dài.

Hội đồng NATO - Nga với nhiệm vụ điều phối quan hệ song phương gần như không hoạt động trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên xấu đi đáng kể sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Ngoài ra, cáo buộc Nga hỗ trợ lực lượng ly khai thân Moscow ở Ukraine và phát triển vũ khí, bao gồm cả tên lửa, khiến quan hệ giữa Moscow và NATO trở nên căng thẳng.

Tại cuộc gặp của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ở Sochi hồi tháng 9, 2 nhà lãnh đạo đồng ý rằng việc liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu tiếp tục mở rộng về phía đông sẽ vấp phải sự đáp trả mạnh mẽ.

So với người tiền nhiệm Donald Trump, Tổng thống Mỹ Joe Biden có một lập trường cứng rắn hơn đối với Nga. Tuy vậy, một quan chức NATO khác nói rằng Hội đồng NATO - Nga "vẫn là một nền tảng quan trọng cho đối thoại".

Các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa Mỹ đang hối thúc Tổng thống Joe Biden trục xuất 300 nhà ngoại giao Nga khỏi Mỹ, nếu Moscow không cấp thêm thị thực cho các nhân viên tại đại sứ quán Mỹ ở Nga. Động thái này được cho là sẽ đánh dấu sự leo thang mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa Washington và Moscow.