Mỹ-EU-NATO-Nga, tiềm ẩn và thách thức
Mỹ muốn có liên minh bền chặt với Liên minh châu Âu (EU), NATO. Trong khi đó EU và NATO cũng muốn có sự bảo đảm an ninh, chính trị, kinh tế từ đối tác Mỹ...
Song, những thay đổi trong chính sách của chính quyền Tổng thống D.Trump, cũng như sự thay đổi chóng mặt về chính trị, quốc phòng từ châu Âu, từ nước Nga làm cho các cặp quan hệ riêng rẽ cũng như những mối quan hệ chung Mỹ-EU-NATO-Nga đang có những xáo trộn, bất ngờ, khó lường, tác động xuyên châu lục, ảnh hưởng tới cục diện toàn thế giới.
Ba bè bảy mối
Phát biểu với báo giới trong cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Brussels (Bỉ), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngày 20-2 khẳng định: "Hiện không phải là thời điểm chia rẽ Mỹ và EU vì hai bên đã là đối tác trong nhiều thập kỷ". Theo ông, sự ổn định toàn cầu phụ thuộc phần lớn vào mối quan hệ tốt giữa Mỹ và EU, và hai bên hợp tác trên nhiều mặt, trong đó có quốc phòng.
Những lo lắng của châu Âu về quan điểm chính thức của Mỹ về EU và NATO có vẻ như đã được giải đáp. Tại cuộc họp báo sau cuộc gặp các nhà lãnh đạo EU, thay mặt Tổng thống Mỹ Donald Trump, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã cam kết quyết tâm "theo đuổi" và "làm sâu sắc hơn" mối quan hệ hợp tác và đối tác giữa Mỹ và EU.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thì hồ hởi tuyên bố, nước Mỹ cần đến một châu Âu mạnh và thống nhất trên tất cả các vấn đề, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng.
Về quan hệ với NATO, phát biểu với báo chí tại trụ sở NATO, ông Mike Pence bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của nước Mỹ đối với NATO và đánh giá tổ chức này là nhân tố đảm bảo cho một thế giới an toàn hơn và đóng vai trò quan trọng cho nền hòa bình và sự thịnh vượng của thế giới.
Cho dù có đưa ra những lời như vậy, song nhiều nước châu Âu vẫn tỏ ra nghi ngờ chính sách mới của nước Mỹ. Mới đây, trang tin Project-Syndicate đã đăng bài phân tích của giáo sư chính sách an ninh và ngoại giao Wolfgang Ischinger, cựu Đại sứ Đức tại Mỹ về việc châu Âu nên ứng phó với chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump như thế nào.
Theo bài viết, Tổng thống Trump đã đưa ra một phép thử khó khăn đối với châu Âu và các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương cũng như toàn thế giới. Tổng thống Trump từng nói rằng ông tin tưởng Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin như nhau. Phải chăng cách nói này ám chỉ rằng Mỹ sẽ theo đuổi chính sách cân bằng giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU)?
Tuy nhiên, dù cho Mỹ dưới thời Tổng thống Trump không quan tâm nhiều đến quan hệ đồng minh với EU đi nữa thì có lẽ Mỹ vẫn sẽ coi EU như một đối tác. EU cần sự đảm bảo an ninh của Mỹ. Chính vì vậy, lựa chọn tốt nhất của EU là xích lại gần hơn với chính quyền mới của Mỹ và EU có những cơ sở để hy vọng về điều này khi những tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và nhiều nghị sĩ ở cả hai viện châu Âu đều mong muốn hai bên xích lại gần nhau.
Giáo sư Wolfgang Ischinger phân tích, trong một kịch bản xấu nhất, chính quyền mới của Mỹ thực thi chính sách làm ảnh hưởng tới sự cố kết của EU thì vẫn có thể chắc chắn một điều rằng những cuộc mặc cả giữa Nga và Mỹ sẽ không ảnh hưởng nhiều tới lợi ích của EU.
Nhìn vào bài toán kinh tế, nếu chính quyền của ông Trump sử dụng việc đánh thuế để thúc đẩy hàng hóa sản xuất tại Mỹ làm ảnh hưởng tới lợi ích của EU, liên minh này có thể sẽ thực thi chính sách tương tự để đáp trả.
Hiện châu Âu vẫn là thị trường quan trọng hàng đầu của Mỹ. Tỉ trọng thương mại giữa Mỹ-EU gấp 37 lần so với Mỹ-Nga, do đó việc Mỹ bỏ EU chuyển hướng hẳn sang Nga là điều khó xảy ra.
Chỉ có điều, dưới thời Tổng thống Trump, châu Âu sẽ phải tự lực nhiều hơn để đảm bảo an ninh cho chính mình. Và châu Âu đang có sự thay đổi theo hướng này, bao gồm cả việc gia tăng các hoạt động can dự quân sự. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách quân sự chung của EU không có sự tham gia của Mỹ vẫn cần nhiều thời gian hơn nữa mới có thể trở thành hiện thực.
Nguy cơ tiềm ẩn
Chỉ có điều, mối quan hệ Nga, Mỹ và NATO xưa nay vốn luôn ở trong tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Dưới con mắt của Moscow, NATO một lần nữa trở thành công cụ chính của sự hiện diện quân sự và thống trị chính trị của Mỹ ở châu Âu. Điện Kremlin kịch liệt bác bỏ những phán quyết của phương Tây về chính sách của Nga ở Crimea và Ukraine vốn được xem như là nguyên nhân căn bản khiến NATO mong muốn cải tổ.
Nga coi hành động của NATO mở rộng các cơ sở hạ tầng về phía khu vực thuộc Khối Hiệp ước Warszawa trước đây và lãnh thổ Liên Xô, hay thay thế các căn cứ quân sự Xôviết như là một cách gây sức ép chính trị đối với Moscow, và thách thức không gian an ninh của Nga. Tuy nhiên, hiện tại, mức độ đe dọa nói trên được xem như là có thể chấp nhận được.
Những căng thẳng giữa NATO và Nga, tuy không so sánh được với những căng thẳng đối lập NATO và Khối Hiệp ước Warszawa trước đây, nhưng vẫn đang tiềm ẩn những nguy cơ rất lớn. NATO nhấn mạnh tới mức độ cân xứng và tính minh bạch của sự đáp trả của họ. Các nhà lãnh đạo NATO nhắc lại rằng họ không tìm kiếm sự đối đầu, và không muốn Chiến tranh Lạnh trở lại. Tuy nhiên, sự đối đầu đã rõ ràng và chúng ta không thể phủ nhận.
Trái với cuộc Chiến tranh Lạnh, cuộc xung đột mới rất không cân xứng vì Nga bị áp đảo về mọi mặt: quân số, vũ khí, các khả năng trong hầu hết các lĩnh vực, trừ lĩnh vực vũ khí hạt nhân, và khả năng tiến hành một hành động nhanh chóng và dứt khoát. Vả lại, khác với thời Chiến tranh Lạnh, ít có sự tôn trọng lẫn nhau giữa các bên, kể cả giữa các nhà lãnh đạo cấp cao. Cuối cùng, nỗi lo sợ chiến tranh hạt nhân đã bị đẩy lùi, và mong muốn sử dụng "chiến lược đi dây" trở nên mạnh mẽ hơn.
Những hoạt động đáp trả giữa Nga và NATO đôi khi dẫn tới những cuộc chạm trán giữa các khí cụ của Nga và NATO, khi tiến đến sát gần nhau, có nguy cơ gây ra những tai nạn khủng khiếp. Tuy nhiên, trò chơi “mèo vờn chuột” giữa Nga và NATO chưa bao giờ chấm dứt và nó luôn là chủ đề nóng của báo giới và chính giới trong nhiều năm qua.
Cho đến nay, Điện Kremlin vẫn cho rằng nguyên nhân thực sự của những đối đầu này chính là những hành động của phương Tây, mà đỉnh điểm là dự án mở rộng về phía đông của NATO. Do phần lớn những sáng kiến này tác động tới các nước láng giềng gần biên giới với Nga, nên Điện Kremlin khẳng định việc bảo vệ chủ quyền đất nước và các lợi ích an ninh quốc gia của mình là chính đáng.
Gió đổi chiều
Trong khi đó, nhiều chuyên gia đã phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO diễn ra tại Brussels trong 2 ngày 15-16/2 vừa qua rằng, NATO cần cải cách và thiết lập mối quan hệ với Nga. Bởi sự thay đổi lập trường của Mỹ về NATO có nghĩa là các nước châu Âu buộc phải tự gánh gánh nặng quốc phòng của chính mình.
Nhà ngoại giao Joachim Bitterlich nhấn mạnh: "Chúng ta luôn hợp tác với Mỹ nhưng chúng ta buộc phải tự mình gánh lấy trách nhiệm lớn hơn. Điều này có nghĩa là cuối cùng chúng ta phải trở nên mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn".
Theo ông Bitterlich, "Mỹ và châu Âu đã phạm quá nhiều sai lầm trong quan hệ với Nga, không đánh giá đúng nước Nga, dồn nước này vào chân tường một cách không cần thiết". Ông Bitterlich khẳng định, đã đến lúc NATO phải xây dựng mối quan hệ sáng suốt hơn với Moscow. Nước Mỹ dưới thời Donald Trump sẽ tìm cách thiết lập mối quan hệ với Nga. Châu Âu, tốt hơn hết, cũng nên làm điều này và cần đi trước Mỹ.
"Châu Âu không bao giờ toàn vẹn, tự do và hòa bình nếu xa lánh Nga và biến nước này thành kẻ thù". Quan điểm của nhà ngoại giao kỳ cựu Bitterlich cũng là quan điểm của nhiều người dân của 4 nước thuộc NATO, khi họ tin tưởng hơn vào sự hỗ trợ của Nga khi có chiến tranh chứ không phải nước Nga sẽ tạo nên chiến tranh.
Công ty WIN/Gallup quốc tế vừa công bố kết quả cuộc thăm dò ý kiến người dân trước thềm Hội nghị An ninh quốc tế diễn ra tại thành phố Munich (Đức) từ ngày 17-2 cho kết quả bất ngờ. Công dân 4 nước: Bulgaria, Hy Lạp, Slovenia và Thổ Nhĩ Kỳ đều có nguyện vọng Nga sẽ trở thành “người bảo vệ” trong trường hợp những nước này bị tấn công. Phó Chủ tịch Kancho Stoychev của Công ty WIN/Gallup quốc tế nhận định kết quả cuộc thăm dò ý kiến cho thấy thay đổi chính trị quanh các trục an ninh trên toàn thế giới.
Các chuyên gia cũng kết luận việc ông Donald Trump đảm nhận vị trí Tổng thống thứ 45 của Mỹ cũng góp phần giảm niềm tin của người dân châu Âu với Washington. Còn theo các chuyên gia của Bloomberg, các thành viên NATO không hài lòng với tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong chuyến công du châu Âu đưa ra thông điệp cứng rắn với các thành viên khối quân sự này rằng: nếu họ không tăng ngân sách quốc phòng thì Mỹ sẽ “tiết chế” hỗ trợ.
Trước đó, ngày 10-2, viện này cũng đưa ra con số khảo sát dư luận gây sốc khi cho thấy 35% người dân Ukraine được thăm dò đã xem NATO là mối đe dọa với Ukraine, và chỉ 29% người tin tưởng liên minh quân sự đông đúc này sẽ bảo vệ cho quốc gia họ.
Điều đáng nói là, theo các kết quả thăm dò của Gallup, thì tỷ lệ người dân Ukraine - một thành viên NATO tiềm năng - coi NATO là mối đe dọa luôn ở mức cao. Đồng nghĩa với việc các nhà lãnh đạo Ukraine theo đuổi việc tham gia NATO thực ra chỉ là mong muốn của họ chứ không phải là ý nguyện của đa số người dân Ukraine.
Có lẽ do chứng kiến những hành động của NATO trong quá khứ khiến người dân Ukraine nhận diện cuộc sống của họ, sự an nguy cho đất nước Ukraine của họ bị đe dọa bởi NATO nhiều hơn là hy vọng được bảo vệ bởi liên minh quân sự này. Hơn nữa, việc NATO gia tăng căng thẳng với Nga đã đưa Ukraine vào tình thế nguy hiểm.
Sự chuyển hướng của một số nước EU nói chung, một số nước thành viên NATO được giải thích rõ là do các chính sách của Mỹ thực sự chưa rõ ràng với cả Nga, EU và NATO. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, các cuộc tiếp xúc trực tiếp ở cấp cao nhất giữa Mỹ và Nga tới đây sẽ định hình giai đoạn mới trong quan hệ Nga-Mỹ.
Cuộc gặp này còn xa, như Ngoại trưởng Nga đã tuyên bố, cuộc gặp giữa ông Putin và Trump “sẽ diễn ra vào thời điểm thích hợp”, song theo nhận định, “thời điểm thích hợp” có thể là khi ông Trump công bố sách lược chống khủng bố. Vì nếu quan hệ Nga-Mỹ được cải thiện, hai nước có thể hợp tác trong việc đánh bại và tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, khi đó ông Trump sẵn sàng xem xét các khía cạnh còn tồn tại giữa hai bên.
Các nước phương Tây, mà đứng đầu là Mỹ có thể thể hiện thiện chí hợp tác thông qua việc tạm dừng mở rộng NATO sang phía đông để trấn an Nga. Ngược lại, NATO cũng có thể đưa ra các thỏa thuận hợp tác nhiều hơn với Nga như việc xây dựng lòng tin với Moscow đồng thời giảm bớt những lo ngại tiêu cực về Nga.
Theo Nguyễn Hòa - Bảo Trân
An ninh thế giới