NATO sẽ không can dự vào cuộc chiến Syria
Phản ứng trước những lời chỉ trích về việc các quốc gia phương Tây không thể ngăn chặn được tình trạng bạo lực đẫm máu và tình hình khủng hoảng nhân đạo tại Syria, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 18-12 một lần nữa lên tiếng khẳng định rằng, liên minh quân sự này sẽ không tham gia vào cuộc nội chiến ở Syria, bởi làm như vậy sẽ chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn.
Trả lời phỏng vấn một tờ báo của Đức, ông Jens Stoltenberg cho rằng, trong một số trường hợp, việc triển khai quân của NATO là hợp lý, chẳng hạn như ở Afghanistan. Song trong một số trường hợp khác, điển hình như Syria, cái giá phải trả cho việc triển khai quân cao hơn những lợi ích mang lại.
Theo lý giải của ông Jens Stoltenberg, việc NATO triển khai quân đến Syria có nguy cơ khiến cuộc nội chiến này trở thành một cuộc xung đột khu vực với quy mô lớn hơn, hoặc số người vô tội bị chết sẽ nhiều hơn. Cũng vì vậy mà tất cả 28 thành viên của NATO đều tham gia liên minh do Mỹ đứng đầu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhưng lại không can dự trực tiếp vào cuộc xung đột dai dẳng tại Syria.
Cũng liên quan đến tình hình Syria, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov ngày 17-12 đã có các cuộc điện đàm với những người đồng cấp Mevlut Cavusoglu của Thổ Nhĩ Kỳ và Mohammad Javad Zarif của Iran để thảo luận về tình hình chiến sự ở Syria. Theo đó, Ngoại trưởng ba nước đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực chung từ cộng đồng quốc tế trong hoạt động cung cấp hỗ trợ nhân đạo tại Syria và thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này.
Ước tính, đến nay có khoảng 15.000 người, bao gồm 4.000 phiến quân, đã được mở đường để rời khỏi vùng chiến sự Đông Aleppo trong khuôn khổ một lệnh ngừng bắn do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.
Trong một cuộc điện đàm khác diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Iran, Chuẩn tướng Hossein Dehqan cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến dịch chống khủng bố tại Syria, sau khi thành phố chiến lược Aleppo được giải phóng khỏi các tay súng cực đoan.
Hai quan chức quốc phòng Iran và Nga đồng thời kêu gọi tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố ở Syria cho đến khi quốc gia này hoàn toàn được giải phóng và tái thiết lập an ninh.
Trong khi đó, tại Syria, Chính phủ nước này ngày 17-12 thông báo sẽ nối lại kế hoạch sơ tán dân thường và các tay súng nổi dậy tại các khu vực cuối cùng ở Aleppo. Reuters cho hay, trong ngày 18-12, các xe buýt đã bắt đầu chạy vào các khu vực cuối cùng do lực lượng nổi dậy kiểm soát ở Aleppo dưới sự giám sát của tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ và Chữ thập đỏ.
Được biết, đây cũng là lần đầu tiên trong 4 năm qua, Chính phủ Syria cho phép người dân trở lại khu vực thành cổ ở Aleppo, nơi vốn nằm trong danh sách di sản văn hóa thế giới UNESCO.
Trước đó, ước tính đã có hàng nghìn dân thường và các tay súng chống đối rời khỏi khu vực phía Đông Aleppo trong ngày 15-12 theo thỏa thuận nhằm cho phép chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad giành lại quyền kiểm soát toàn bộ thành phố này sau nhiều năm giao tranh. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, chiến dịch này đã bị dừng đột ngột do Chính phủ Syria cáo buộc phiến quân vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Hiện nay, cộng đồng quốc tế cũng đang đặc biệt quan tâm tới việc hỗ trợ nhân đạo cho người dân Syria tại các khu vực chiến sự. Lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) mới đây cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho người dân Syria đang mắc kẹt trong thành phố Aleppo thông qua các chuyến viện trợ lương thực, thực phẩm và thuốc men.
Kể từ đầu tháng 10 đến nay, các xe chở hàng cứu trợ của EU vẫn đang chờ để được tiến vào thành phố Aleppo. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố, EU sẽ vận dụng mọi kênh ngoại giao để hàng cứu trợ đến được Aleppo, đồng thời kêu gọi ngay lập tức mở ra những hành lang nhân đạo cho phép đưa hàng cứu trợ vào trong thành phố Aleppo cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sơ tán dân thường.
Theo Anh Vũ
Quân đội nhân dân