1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

NATO sẵn sàng cho kịch bản đối đầu trực tiếp với Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Một quan chức cấp cao của NATO cho biết, liên minh này sẵn sàng cho kịch bản đối đầu trực tiếp với Nga nếu Moscow vượt qua "lằn ranh đỏ".

NATO sẵn sàng cho kịch bản đối đầu trực tiếp với Nga - 1

NATO hỗ trợ đáng kể cho Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài gần 1 năm qua với Nga (Ảnh minh họa: Getty).

Trả lời phỏng vấn truyền thông Bồ Đào Nha ngày 28/1, Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, nhắc lại trong một hội nghị thượng đỉnh năm ngoái ở Madrid, liên minh này quyết định lập thêm 4 nhóm tác chiến đa quốc gia ở Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia. Ông cho biết, động thái này nhằm đáp lại việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

"Đây là một tín hiệu quan trọng với Nga rằng chúng tôi sẵn sàng nếu họ quyết định đối đầu với NATO. Đó là lằn ranh đỏ và nếu có lằn ranh đỏ thì chính là việc lực lượng của Nga vượt qua biên giới của các thành viên NATO", ông Bauer nói.

Ông cho rằng, các nước NATO nên hướng ngành sản xuất công nghiệp dân sự phục vụ nhu cầu của quân đội và ủng hộ ý tưởng "nền kinh tế thời chiến".

Đánh giá về nguy cơ leo thang xung đột Nga - Ukraine, ông Bauer nói: "Nếu Nga dừng xung đột hôm nay thì sẽ không có bất cứ nguy cơ leo thang nào".

Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 12 và tiếp tục chiều hướng leo thang. Hai bên được cho là đều đang chuẩn bị cho một đợt tấn công hoặc phản công quy mô lớn vào mùa xuân này, có thể vào cuối tháng 2 hoặc tháng 3.

Theo giới quan sát, Nga đang tăng sức ép tấn công để giành kiểm soát Bakhmut, một thành phố chiến lược ở miền Đông Ukraine trước khi Kiev nhận những lô xe tăng đầu tiên do phương Tây viện trợ. Nếu giành Bakhmut, Nga sẽ có nhiều lợi thế hơn để kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass.

Mặc dù Nga và Ukraine tập trung vào Bakhmut nhiều tháng qua, biến nơi này trở thành mặt trận khốc liệt nhất, đẫm máu nhất, giới quân sự phương Tây khuyến cáo Ukraine thay đổi chiến thuật, ưu tiên cho mục tiêu ở miền Nam.

Họ cho rằng, Bakhmut hiện không còn nhiều ý nghĩa chiến lược, trong khi đó, tập trung phản công ở miền Nam có thể cắt đứt tuyến đường tiếp viện của Nga, cô lập các vùng mà Nga tuyên bố sáp nhập. Hơn nữa, việc chuyển ưu tiên sang mặt trận miền Nam sẽ tận dụng được lợi thế từ các trang thiết bị quân sự mới trị giá hàng tỷ USD mà phương Tây gần đây cam kết viện trợ.

Trong tuần qua, hàng loạt quốc gia phương Tây cam kết sẽ cung cấp xe tăng chiến đấu hạng nặng cho Ukraine. Đại sứ Ukraine tại Pháp Vadym Omelchenko cho hay, các đồng minh, đối tác đã cam kết chuyển 321 xe tăng. Tuy nhiên, Kiev sẽ phải chờ thêm ít nhất vài tuần nữa mới có thể nhận bàn giao những chiếc xe tăng đầu tiên.

Các xe tăng hạng nặng của phương Tây được kỳ vọng sẽ giúp Ukraine tăng cường năng lực phòng thủ trước kế hoạch tấn công mới của Nga, đồng thời cũng cho phép Kiev phản công.

Moscow cáo buộc, kế hoạch viện trợ này là bằng chứng nữa cho thấy NATO đang ngày càng can thiệp trực tiếp vào xung đột Ukraine.

Theo Pravda, Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine