Quốc gia NATO nêu cách duy nhất chấm dứt xung đột Ukraine
(Dân trí) - Ngoại trưởng Lithuania cho rằng cách duy nhất để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine là các đồng minh phương Tây gửi vũ khí cho Kiev để đối phó Nga.
"Các cuộc thảo luận ở phương Tây vẫn tập trung vào việc kết thúc chiến tranh, và có những người tin rằng dường như một cuộc xung đột bị đóng băng sẽ phù hợp hơn, nhưng tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm đó. Tôi cho rằng quan điểm này là trở ngại chính đối với một số quốc gia trong việc gửi vũ khí mà Ukraine cần", Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis nói trong cuộc phỏng vấn hôm 16/1.
Ngoại trưởng Lithuania, một nước thành viên NATO, cho rằng cách duy nhất để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine là các đồng minh phương Tây gửi vũ khí, đặc biệt là xe tăng, cho Kiev để đối phó chiến dịch quân sự của Nga.
Trong bối cảnh Ukraine cáo buộc Nga tăng cường các cuộc tấn công vào các khu vực dân sự, các đồng minh phương Tây đã tăng cường hỗ trợ các vũ khí tối tân cho lực lượng Ukraine. Tuy nhiên, Đức đã nhận được một số lời chỉ trích gay gắt về việc họ không gửi xe tăng chiến đấu Leopard 2 cho Ukraine.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 16/1 kêu gọi chính phủ Đức cung cấp "tất cả các loại vũ khí" cho Ukraine. Thủ tướng Morawiecki cho rằng "không có lý do gì để ngăn chặn việc hỗ trợ cho Kiev và trì hoãn việc hỗ trợ vô thời hạn".
Khi được hỏi liệu Đức có nên hành động nhiều hơn nữa không, Ngoại trưởng Landsbergis đồng tình với điều này, đồng thời cho biết nhiều quốc gia đã mua xe tăng do Đức sản xuất. Do xe tăng Leopard 2 được sản xuất tại Đức nên việc vận chuyển khí tài này đến Ukraine cần có sự chấp thuận của chính phủ Đức.
"Các nước sẵn sàng gửi xe tăng đến Ukraine. Cho đến nay, họ vẫn chưa được Berlin bật đèn xanh. Tôi thực sự hy vọng rằng điều này có thể thay đổi và điều đó sẽ giảm áp lực lên chính nước Đức", ông Landsbergis nói thêm.
Theo Bloomberg, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022, các đồng minh đã cung cấp cho Kiev hơn 4.000 xe bọc thép, pháo, máy bay và các hệ thống vũ khí khác. Cho đến nay, Ukraine đã nhận được 410 xe tăng từ thời Liên Xô; 300 xe chiến đấu bộ binh, trong đó 250 chiếc do Liên Xô thiết kế; 1.100 xe bọc thép chở quân; 925 xe phục kích chống mìn; hơn 1.540 xe cơ động bộ binh; 300 lựu pháo; 95 pháo phản lực phóng loạt và hơn 59 hệ thống phòng không.
Tuy nhiên, chưa có quốc gia nào cung cấp hoặc đồng ý cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa có khả năng tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, vì họ tin rằng điều đó có thể dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp với Moscow.
Tháng 12/2022, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định "hỗ trợ quân sự cho Ukraine là con đường nhanh nhất dẫn đến hòa bình". Trong tuyên bố hôm 14/1, ông Stoltenberg cho biết Ukraine sẽ được nhận thêm từ phương Tây các "vũ khí hạng nặng trong tương lai gần".
Những tuần gần đây, các nước thành viên NATO, trong đó có Mỹ, Anh, Đức đồng loạt tuyên bố sẽ chuyển xe tăng, xe chiến đấu bộ binh hoặc hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại cho Ukraine.
Đáp lại cam kết viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine, Nga cảnh báo, những khí tài này không thể xoay chuyển tình hình chiến sự, mà chỉ kéo dài đau khổ của người dân Ukraine. Moscow cũng tuyên bố, bất cứ khí tài nào bên ngoài cung cấp cho Kiev đều sẽ trở thành "mục tiêu tấn công chính đáng cho pháo binh Nga".