NATO, Nga liên tiếp tập trận và toan tính của các bên
Ukraine đã tiến hành cuộc diễn tập quân sự chung với Mỹ và một loạt các quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, trong bối cảnh Nga đang chuẩn bị cho cuộc tập trận sát biên giới Liên minh châu Âu.
NATO, Nga liên tiếp tập trận
Mỹ cùng một số quốc gia NATO và Ukraine đã tiến hành cuộc tập trận mang tên “Rapid Trident” vào ngày 11/9, đúng 16 năm sau sự kiện 11 tháng 9. Cuộc tập trận diễn ra tại thành phố Yavoriv thuộc khu vực Tây Ukraine, kéo dài 13 ngày và kết thúc vào ngày 23/9.
Quan chức Lầu Năm Góc Mỹ Johnny Michael cho biết có khoảng 2.500 đến từ 15 quốc gia tham gia vào cuộc tập trận “Rapid Trident 2017”, nhằm thực hành các hoạt động gìn giữ hòa bình và đào tạo nâng cao khả năng hiệp đồng tác chiến với các đơn vị vũ trang của NATO và Ukraine. Các lực lượng Mỹ cũng sẽ tham gia xây dựng chương trình huấn luyện cho quân đội Ukraine.
Mỹ triển khai khoảng 250 quân từ Lực lượng Cảnh vệ Quốc gia Oklahoma, 80 lính từ Lực lượng Cảnh vệ Quốc gia California, 45 phi công của Không lực California và một số lính lục quân, không quân để hỗ trợ và đóng vai trò kiểm soát cuộc tập trận.
Trong khi đó, NATO cũng đang tiến hành một cuộc tập trận quân sự khác ở Latvia, mở màn ngày 10/9 với tên gọi “Steadfast Pyramid”, cùng sự tham gia của 40 chỉ huy cấp cao từ các nước thành viên NATO cùng với Phần Lan và Thụy Điển.
NATO cho biết cuộc tập trận kéo dài tới 15/9 tập trung vào “việc phát triển hơn nữa năng lực của các chỉ huy và đội ngũ cấp cao nhằm lên kế hoạch và tiến hành các chiến dịch”. Giai đoạn thứ hai của cuộc tập trận này, có tên “Steadfast Pinnacle”, diễn ra từ ngày 17-22/9.
Trong khi đó, Nga và Belarus ngày hôm nay 14/9 cũng đã bắt đầu cuộc tập trận lớn nhất năm 2017 mang mật danh “Zapad 2017”. Có khoảng 12.700 binh lính hoạt động dọc theo biên giới giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng tham gia cuộc tập trận mang mật danh “Zapad-2017” gồm 138 xe tăng, 231 xe thiết giáp, 241 hệ thống pháo và tên lửa đạn đạo chiến thuật, cùng 40 máy bay chiến đấu làm nhiệm vụ tuần tra cảnh giới trên không.
Nga dự kiến triển khai 12.700 binh sĩ, trong đó 10.200 người sẽ tham gia tác chiến tại Belarus.
Nga và Belarus đều mời quan sát viên từ Liên Hợp Quốc, Tổ chức Anh ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), NATO, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế và Cộng đồng Các quốc gia Độc lập (CIS) tới theo dõi cuộc tập trận.
Toan tính của các bên liên quan
Theo các chuyên gia phân tích đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà là có sự toan tính của các bên liên quan.
Washington đã tăng cường sự ủng hộ giành cho chế độ dân tộc chủ nghĩa cánh hữu được Mỹ hậu thuẫn lên nắm quyền tại Ukraine sau cuộc đảo chính hồi tháng 2/2014. Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã tới Kiev và bày tỏ quan điểm ủng hộ việc cung cấp vũ khí sát thương cho quốc gia này.
Mỹ là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất chính quyền Ukraine sau cuộc đảo chính hồi tháng 2/2014. Do vậy việc Mỹ gia tăng cường độ tập trận và điều động binh lính áp sát biên giới Nga là nhằm phản ứng lại việc chính quyền Moscow sáp nhập bán đảo Crimea, và các cuộc nổi dậy của lực lượng ly khai ủng hộ Nga tại vùng Donbas.
Đặc biệt, các hoạt động củng cố quân sự của Mỹ và NATO tại Ukraine và các nước cộng hòa vùng Baltics rõ ràng là nhằm đối trọng với cuộc tập trận “Zapad 2017” của Nga và Belarus kéo dài từ 14-20/9.
Mặc dù, Nga cho biết chỉ có khoảng 12.700 binh sỹ tham gia các cuộc tập trận lần này, song giới chức phương Tây cho rằng con số thực tế cao hơn rất nhiều.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon trong cuộc trả lời phỏng vấn của BBC cho biết: “Theo tôi đây là cuộc tập trận lớn nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, hiện có hơn 100.000 binh sỹ Nga và Belarus đang được triển khai tại biên giới NATO. Điều này là nhằm kích động chúng tôi, thách thức năng lực quốc phòng của chúng tôi và đó là lý do vì sao chúng tôi phải tăng cường sức mạnh của mình”.
Có một thực tế là các hoạt động tăng và triển khai quân của Nga đều diễn ra trên chính lãnh thổ của họ. Trong khi đó, dưới danh nghĩa NATO, Lầu Năm Góc đã triển khai nhiều máy bay và lính nhảy dù tới sát biên giới Nga. Các cuộc tập trận tại Đông Âu là lời cảnh báo nghiêm túc đối với Moscow.
Sau 16 năm kể từ sự kiện 11/9/2001, Mỹ vẫn loay hoay trong cuộc chiến tại Trung Đông và Afghanistan. Do đó, hiện tại Mỹ và đồng minh đang chuyển sự chú ý của mình sang các hoạt động chuẩn bị cho đối đầu quân sự với các kẻ thù địa-chiến lược quan trọng đó là Nga.
Chỉ một mồi lửa nhỏ tại những điểm nóng như Syria, Triều Tiên hay Ukraine cũng đủ để khiến thùng thuốc súng này phát nổ. Trong khi đó, các cuộc tập trận kể trên có thể sẽ vô tình dẫn tới đối đầu quân sự.
Theo Đức Thức
Tiền phong