1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

NATO dọa đáp trả nếu Nga từ bỏ hiệp ước hạt nhân INF

(Dân trí) - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo rằng liên minh quân sự này sẽ đáp trả “với các biện pháp răn đe hiệu quả và đáng tin cậy” nếu Nga từ bỏ hiệp ước hạt nhân INF với Mỹ.

NATO dọa đáp trả nếu Nga từ bỏ hiệp ước hạt nhân INF - 1

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: Sputnik)

Theo Sputnik, quan chức báo chí NATO Dylan P. White ngày 15/7 đã thuật lại phát ngôn của ông Stoltenberg.

“Nga không thể hiện dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ trở lại tuân thủ hiệp ước hạt nhân INF trước hạn chót ngày 2/8. Nếu Nga không tiếp tục duy trì INF, chúng tôi sẽ đáp trả bằng một phương pháp có thể đo lường với sức răn đe đáng tin cậy và hiệu quả”, Tổng thư ký NATO nói.

Thông báo của ông Stoltenberg được đưa ra trong bối cảnh Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng EU nên nói với Mỹ về việc nỗ lực cứu hiệp ước INF, thay vì “mù quáng” chạy theo quan điểm của Washington và đổ lỗi cho Nga.

Cơ quan ngoại giao của Moscow khẳng định các đề xuất của Nga để cứu lấy INF vẫn còn đang có hiệu lực.

Ngày 3/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký thành luật chính thức ngừng nghĩa vụ của Nga với INF, sau 5 tháng Mỹ thông báo rút khỏi thỏa thuận quan trọng này. Mỹ cáo buộc Nga vi phạm INF khi phát triển tên lửa 9M729 và yêu cầu Moscow phải phá hủy tên lửa bị Mỹ coi là vi phạm các điều khoản của hiệp ước.

Nga đã bác bỏ cáo buộc từ phía Mỹ, “tố” ngược Washington vi phạm INF khi đưa các lá chắn tên lửa Aegis Ashore tới Đông Âu. Moscow cho rằng các bệ phóng tên lửa MK-41 ngoài khả năng bắn tên lửa phòng thủ còn có thể bắn tên lửa Tomahawk, vũ khí vi phạm INF. Vì vậy, Nga coi đây là mối đe dọa tới các mục tiêu nằm trong lãnh thổ của họ nếu Aegis xuất hiện ở châu Âu.

INF là hiệp ước được ký kết từ thời Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ năm 1987 nhằm cấm các bên phát triển và triển khai tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 500km đến 5.500km.

Mỹ tuyên bố rằng nếu không đạt được thỏa thuận với Nga, họ sẽ rút khỏi INF sau ngày 2/8.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Stoltenberg công khai cảnh báo đáp trả Nga liên quan tới số phận hiệp ước INF. Viễn thỏa thuận này bị sụp đổ đã khiến các quốc gia châu Âu không khỏi lo ngại rằng họ có thể sẽ lại rơi vào tình thế “mắc kẹt” trong cuộc đua hạt nhân giữa Nga và Mỹ như những gì xảy ra vào năm 1980 nếu bất cứ bên nào triển khai vũ khí hạt nhân trước tại khu vực.

Đức Hoàng

Theo Sputnik

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm