1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

NATO đang “Đông tiến” bằng cả 3 mũi

Trong bối cảnh hiện nay, NATO tiến hành đồng thời cả 3 mũi tiến công khiến cho “cuộc chiến” Đông – Tây càng trở nên “quyết liệt” hơn bao giờ hết.

Tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) đã nhóm họp tại Brussel (Bỉ) ngày 2/12. Tổng thư ký NATO ông Jens Stoltenberg cho biết, Hội nghị đã thông qua việc triển khai lực lượng phản ứng nhanh, được coi là mũi nhọn của liên minh vào đầu năm 2015.
 
Lực lượng NATO triển khai ở vùng Baltic (ảnh: Thenews)

Lực lượng NATO triển khai ở vùng Baltic (ảnh: Thenews)

Theo đó 40.000 binh sỹ sẽ được triển khai trong những trường hợp khẩn cấp. NATO cũng sẽ gửi quân tới Đông Âu nhằm tham gia vào các cuộc tập trận để đối phó với Nga. Theo giới quan sát, trong giai đoạn hiện nay chiến lược “Đông tiến” của NATO đang được thực hiện bằng cả 3 mũi tiến công, khiến  dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm.

Thu phục không gian “hậu Xô viết”

Theo cương lĩnh nguyên thủy của NATO thì tổ chức này đã không tồn tại ngay sau khi khối Warsaw giải thể. Tuy nhiên, với tham vọng toàn cầu, Mỹ - phương Tây đã duy trì, phát triển, mở rộng phạm vi hoạt động của khối này ra ngoài các quốc gia thành viên và thực hiện chiến lược “Đông tiến”.

Với việc ký kết Hiệp định liên kết giữa Ukraine, Gruzia, Moldova với EU hồi tháng 6 năm nay thì phương Tây đã thu hút phần lớn các nước thuộc “không gian hậu Xô viết”, nhất là các nước có chung đường biên giới với Nga về phía Tây.

Thông qua các chiến dịch “Mùa thu Cộng sản” ở Ba Lan, Hungary, CHDC Đức, Bungary, Tiệp Khắc và Romania (1989); “cách mạng Cam” ở Serbia (2000); “cách mạng Hoa hồng” ở Gruzia (2003); “cách mạng Cam” lần một ở Ukraina (2004); “cách mạng Hoa Tulip” ở Kyrgyzstan (2005). Trong đó có Romania (1989) và “cách mạng Cam” ở Ukraine lần hai (2013) được ghi nhận là nhuốm màu bạo bực để lật đổ chính thể đương quyền.

Thắng lợi lớn đầu tiên của phương Tây năm 1990, được đánh dấu bằng sự kiện bức tường Berlin sụp đổ, cho đến nay đã có 12/28 nước thành viên NATO đến từ “không gian hậu Xô viết”.

Trong cuộc trường chinh “Đông tiến”, phương Tây đã tạo dựng được những tiền đề để 3 nước vừa mới ký Hiệp định liên kết với EU sẽ gia nhập NATO trong thời gian tới.

Mấy ngày gần đây Tổng thống Ukraine Poroshenko lại khởi động chương trình xin gia nhập NATO của Ukraine, bằng việc trưng cầu dân ý. Một khảo sát mới được công bố hiện có 51% dân cư Ukraine đồng ý gia nhập NATO thay vì con số 20% trước đây gần một năm.

Tổng thư ký NATO ông Jens Stoltenberg đã không phản đối và cho rằng Ukraine cần hội đủ các yêu tố theo quy định của NATO. Tuy nhiên, trước những bất ổn ở nước này trong thời gian gần đây, Tướng Breedlove hy vọng những thắt chặt quan hệ quân sự giữa Ukraine và NATO sẽ giúp cho Ukraine tiến gần hơn tới những “mục tiêu, công nghệ và thủ tục” theo “tiêu chuẩn” của NATO để Ukraine sớm gia nhập tổ chức này.

Trừng phạt kinh tế Nga

Tổng Thư ký NATO ngày 1/12 tuyên bố liên minh này “hoàn toàn ủng hộ các biện pháp trừng phạt nước Nga”. Ông Stoltenberg còn khẳng định: “Biện pháp trừng phạt có ý nghĩa quan trọng như một động thái phản ứng với các hành vi vi phạm chuẩn mực quốc tế”, đồng thời bày tỏ “mong muốn ngày càng nhiều nước ủng hộ biện pháp trừng phạt” này.

Kể từ khi Mỹ và EU phát lệnh trừng phạt Nga lần đầu tiên (16/3) và sau nhiều lần bổ sung, đến nay đã có 119 cá nhân và thực thể nằm trong danh sách bị cấm cấp thị thực và đóng băng tài sản. Trong khối EU có tới 9/28 nước miễn cưỡng với lệnh trừng phạt này nhưng vẫn phải chấp nhận theo sự điều khiển từ Washington.

Ngày 24/11, hãng tin ITAR-TASS trích lời Bộ trưởng Tài chính Nga, Anton Silouanov nêu lên khoản thiệt hại khoảng 40 tỷ USD do tác động trực tiếp của các đợt trừng phạt kinh tế mà Mỹ và EU áp đặt, khiến hơn 140 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đã rời khỏi nước Nga, kinh tế Nga đã cận kề của sự suy thoái, đồng rúp mất giá gần 30% so với đồng euro. Thêm vào đó, giá dầu trên thế giới đang giảm mạnh (30 %), khiến Moscow bị thất thu gần 100 tỷ USD.

Đại diện cấp cao EU về đối ngoại - an ninh Federica Mogherini phát biểu tại Nghị viện châu Âu hồi tháng trước thừa nhận rằng “các biện pháp trừng phạt của EU không ảnh hưởng đến chính sách của Nga về Ukraine”, mặc dù điều đó gây thiệt hại cho nền kinh tế của Nga cũng như cả EU.

Tuy nhiên, mới đây Tổng thông Nga Putin đã thừa nhận kinh tế Nga sẽ rơi vào suy thoái vào năm 2015 do các nước phương Tây trừng phạt kinh tế cùng với giá dầu giảm kỷ lục khiến bất lợi cho nền kinh tế.

NATO đưa quân áp sát biên giới

NATO đã tuyên bố xây dựng kế hoạch đưa vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự đến các nước ở Đông Âu nói là để chuẩn bị sẵn sàng đối phó với những bất ổn về an ninh ở phía Đông của NATO. Trong khi Tổng thư ký NATO cáo buộc Nga đang thực hiện các bài diễn tập quân sự hung hăng gần biên giới với NATO.

Trước đó, để đối phó với sự phản ứng của Nga sau sự kiện Ukraine, NATO đã mở cuộc diễn tập quân sự lớn tại vùng Baltic dưới danh nghĩa hàng năm, tuy nhiên lần này họ đã huy động một lực lượng lớn binh sĩ và trang thiết bị tham gia gồm 4.700 binh sĩ và hơn 800 thiết bị quân sự (năm 2013 chỉ có 1.800 binh sĩ).

Đây là cuộc biểu dương sức mạnh quân sự lớn nhất từ trước tới nay, gồm quân đội của 9 nước tham gia (Canada, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Anh, Latvia, Litva, Na Uy và Mỹ).

Những nỗ lực nêu trên đã được được Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg ca ngợi, cùng với việc liên tiếp chỉ trích các chuyến bay quân sự của Nga xuất hiện ngày càng nhiều gần các quốc gia NATO.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Alexei Meshkov phát biểu trên tờ Interfax rằng: “Chỉ huy quân đội NATO ở châu Âu, Tướng Philip Breedlove và những người như ông ấy đang làm điều gì vậy? Họ đang cố làm bất ổn một trong những khu vực yên bình nhất thế giới. Những cuộc tập trận, việc xây dựng lại căn cứ và điều máy bay ném bom chiến lược đang mang lại ảnh hưởng tiêu cực cho nơi này”.

Ngày 27/11, Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố rằng họ sẽ triển khai một loạt 14 chiếc máy bay quân sự cho Crimea và phi đội đóng quân ở Crimea dự kiến sẽ có khoảng 30 máy bay. NATO hiện đang rất quan ngại việc Nga xây dựng căn cứ quân sự ở Crimea có thể gây ra những bất ổn anh ninh đối với các quốc gia khác trong khu vực.

Chỉ huy quân đội NATO ở châu Âu Tướng Philip Breedlove cho biết, sau những cuộc họp với các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị cấp cao ở Kiev, họ cho rằng một căn cứ quân sự được mở ra ở Crimea có thể kiểm soát toàn bộ khu vực biển Đen, rằng “Chúng tôi rất quan ngại về tình hình quân sự ở Crimea”.

Với chiến lược “Đông tiến”, từ chính trị đến kinh tế và cuối cùng là quân sự - quốc phòng, NATO đã dần thu hút các nước thuộc “không gian hậu Xô viết” trở thành thành viên của NATO: Năm 1999 ba nước (Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary); năm 2004 bảy nước (Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia, Slovenia); năm 2009 hai nước (Croatia, Albania) và tiếp theo sẽ là 3 nước vừa mới ký kết Hiệp ước Liên kết với EU.

Như vậy, sau hơn 20 năm “Đông tiến”, NATO đã “nuốt” gần trọn “không gian hậu Xô viết”, bao gồm cả chính trị, kinh tế và quốc phòng - vùng ảnh hưởng quan trọng của Nga.

Trong bối cảnh hiện nay, NATO đang tiến hành đồng thời cả 3 mũi tiến công khiến cho “cuộc chiến” Đông – Tây càng trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết. Giới phân tích cho rằng, cuộc đối đầu giữa hai chiến lược: “Đông tiến” của NATO và “Chim ưng hai đầu” của Nga sẽ kéo dài và hồi kết vẫn còn khó đoán định./.

Theo Nguyễn Nhâm/VOV.VN