NATO cảnh giác sự trỗi dậy của Trung Quốc
(Dân trí) - Tổng thư ký NATO cho rằng liên minh quân sự này không nên xem nhẹ sự trỗi dậy quyền lực, sức mạnh kinh tế và chính sách đối ngoại linh hoạt của Trung Quốc.
“NATO không xem Trung Quốc là kẻ thù hay đối thủ mới. Những gì chúng tôi thấy là sự trỗi dậy của Trung Quốc về cơ bản đang làm thay đổi cân bằng quyền lực toàn cầu và các nhà lãnh đạo NATO, những người đứng đầu các nhà nước và chính phủ, khi gặp nhau tại London hồi tháng 12, lần đầu tiên trong lịch sử NATO, họ nhất trí rằng NATO phải giải quyết những hệ quả này, những hệ quả về an ninh, từ sự trỗi dậy của Trung Quốc”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp trực tuyến tại Brussels, Bỉ ngày 8/6.
Trong bài phát biểu với chủ đề về cạnh tranh toàn cầu và Trung Quốc, Tổng thư ký NATO kêu gọi các nhà lãnh đạo cùng xây dựng liên minh này “ngày càng mạnh mẽ hơn bằng cách đảm bảo chắc chắn rằng NATO cũng hoạt động hiệu quả về chính trị như hiệu quả về quân sự”. Ông Stoltenberg cũng cho rằng NATO không nên xem nhẹ sự phát triển của Trung Quốc.
“Chúng ta nhận thấy thực tế rằng Trung Quốc sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Họ có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới. Họ đang đầu tư mạnh mẽ vào năng lực quân sự hiện đại, bao gồm tên lửa có thể vươn tới toàn bộ các nước đồng minh NATO. Họ đang đuổi kịp chúng ta về không gian mạng. Chúng ta nhận thấy sự hiện diện của họ ở Bắc Cực, ở châu Phi. Chúng ta thấy họ đầu tư vào cơ sở hạ tầng thiết yếu của chúng ta. Và họ đang hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn với Nga”, ông Stoltenberg cho biết.
“Tất cả những điều này đều có hệ quả về an ninh đối với các đồng minh NATO. Do vậy, chúng ta cần có khả năng ứng phó với điều đó, để giải quyết điều đó. Chúng ta cần thúc đẩy NATO trở thành một liên minh chính trị mạnh mẽ hơn”, Tổng thư ký NATO nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi hợp tác với các đối tác, bao gồm các nước ở châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài sự trỗi dậy của Trung Quốc, Tổng thư ký NATO cũng đề cập tới việc “Nga tiếp tục tăng cường các hoạt động quân sự” và các nhóm cực đoan được vũ trang như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng ngày càng táo bạo hơn. Ông Stoltenberg hối thúc các nhà lãnh đạo NATO hợp tác chặt chẽ hơn để đạt được sự đồng thuận “sớm hơn và mang tính hệ thống hơn”.
Ông Stoltenberg cho biết chiến lược của NATO đối với Nga sẽ dựa trên cách tiếp cận hai chiều, vừa đối thoại vừa răn đe và phòng thủ. Tổng thư ký NATO cho biết Nga không nên nghi ngờ “sự sẵn sàng của NATO trong việc bảo vệ tất cả đồng minh”, tuy nhiên NATO vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với Nga về vấn đề kiểm soát vũ khí.
Bài phát biểu của ông Stoltenberg về tầm nhìn hướng tới NATO 2030 được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang lên kế hoạch cắt giảm hàng nghìn binh sĩ đồn trú tại Đức trước tháng 9 năm nay. Quân đội Mỹ tại châu Âu được xem là lực lượng “răn đe” trước sức mạnh quân sự của Nga. Do vậy, kế hoạch cắt giảm hiện diện quân sự của Tổng thống Donald Trump có thể sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo tại một số nước châu Âu.
Tổng thống Trump đã chỉ trích mạnh mẽ NATO kể từ khi ông tranh cử hồi năm 2016. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng các nước châu Âu không tự bảo đảm an ninh và đóng góp đủ ngân sách quốc phòng, thay vào đó chỉ trông chờ vào sự trợ giúp của Mỹ.
Thành Đạt
Theo Sputnik