NATO bầu Tổng thư ký mới, tăng thêm 5.000 quân cho Afghanistan
(Dân trí) - Các nhà lãnh đạo của 28 nước hội viên NATO đã chỉ định Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen làm Tổng thư ký của liên minh này và đồng ý về một chính sách chung về Afghanistan.
Theo Tổng thư ký sắp mãn nhiệm của NATO, ông Jaap de Hoop Scheffer cho biết hội nghị đồng ý duy trì các mối liên hệ và thảo luận về những điểm bất đồng với Nga thông qua Hội đồng Nga-NATO. Các nhà lãnh đạo cũng ra lệnh soạn thảo một khái niệm chiến lược mới cho liên minh NATO.
Afghanistan - gánh nặng đã được chia sẻ
Tổng thư ký sắp mãn nhiệm Scheffer nói tại cuộc họp báo sau phiên họp thượng đỉnh: "Chúng tôi sẽ triển khai các lực lượng cần thiết để hỗ trợ cho kỳ bầu cử sắp tới tại Afghanistan". Ông Scheffer nói NATO cũng đang cung cấp thêm huấn luyện viên và cố vấn cho các lực lượng quân đội và cảnh sát của Afghanistan.
Theo một tuyên bố từ Washington, các đồng minh của Mỹ trong NATO đang cam kết "đưa tới 5.000" nhân viên quân sự bổ sung tới Afghanistan cho giai đoạn huấn luyện và tổ chức bầu cử. Anh sẽ góp 900 lính, Đức 600 và Tây Ban Nha 600. Italy và Pháp cũng sẽ đóng góp thêm lính.
Thủ tướng Anh Gordon Brown hoan nghênh các cam kết tăng quân. “Tôi rất hài lòng về việc nhiều nước đã tuyên bố sẽ ủng hộ thêm nữa: Tây Ban Nha, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Italy, Hy lạp, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Croatia đã cùng góp sức với Đức, nước trước đó đã đưa ra những tuyên bố tương tự”, ông Brown tuyên bố sau hội nghị. “Điều đó có nghĩa là trên thực tế, gánh nặng sẽ được chia sẻ trong thời gian vài tháng vô cùng quan trọng tới đây”.
Hiện đang có hơn 70.000 lính nước ngoài có mặt tại Afghanistan, hầu hết là dưới sự chỉ huy của NATO. Tổng thống Mỹ Obama sẽ gửi thêm 21.000 lính Mỹ tới và cân nhắc việc tăng thêm 10.000 lính nữa.
Tranh cãi về tân Tổng thư ký
Thủ tướng Đan Mạch Rasmussen, 56 tuổi, sẽ lên giữ chức tổng thư ký NATO vào tháng 8. Quyết định này được đưa ra một ngày sau khi có rất nhiều các hoạt động ngoại giao ráo riết. Theo truyền thống, chiếc ghế Tổng thư ký NATO thường dành riêng cho một thành viên châu Âu và vị trí Tổng tư lệnh sẽ thuộc về nước thành viên châu Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ dường như quyết chống lại ứng viên mà mọi đồng minh khác trong NATO đều ủng hộ, vì Ankara coi ông Rasmussen không có đủ sự tinh tế, nhạy cảm cần thiết đối với các mối quan tâm Hồi giáo, sau cuộc tranh cãi nảy lửa về loạt hình vẽ biếm hoạ nhà tiên tri Mohammad hồi năm 2005. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Rayyip Erdogan chỉ tuyên bố thôi phản đối việc bầu ông Rasmusssen sau khi nhận được "các đảm bảo" từ Tổng thống Obama.
Từ trước hội nghị, ông Rasmussen đã nhận được sự hậu thuẫn của Anh, Đức và Pháp vào vị trí này. Mỹ cũng rất nóng lòng khẳng định lại sự ủng hộ đối với ông Fogh Rasmussen trong cuộc họp thường niên lần này của NATO.
Ông Rasmussen hôm qua tuyên bố sẽ rời chức Thủ tướng Đan Mạch trong vài hôm tới và muốn Bộ trưởng Tài chính của mình, ông Lars Lokke Rasmussen, là người thay thế ông trong cương vị thủ tướng. Hiện tại, ông Fogh Rasmussen vẫn còn 2 năm ở cương vị Thủ tướng Đan Mạch.
Hội nghị thượng đỉnh đánh dấu 60 năm ngày thành lập NATO diễn ra khi những người biểu tình phản đối NATO đã va chạm với cảnh sát và phóng hỏa vào các toà nhà tại Strasbourg. Họ châm lửa đốt một khách sạn và một toà nhà hải quan. Người dân đã chứng kiến cảnh ba cột khói bốc lên từ khu vực Cầu Âu Châu (Europe Bridge) trong thành phố của Pháp kéo tới thị trấn nhỏ Kehl tại Đức, nơi diễn ra một phần phiên họp thượng đỉnh.