NASA: Tàu con thoi và trạm không gian quốc tế là sai lầm
Trong một trả lời phỏng vấn tờ USA Today, giám đốc Cơ quan hàng không và vũ trụ NASA nhận định: tàu con thoi và trạm không gian quốc tế - tức hầu như toàn bộ chương trình không gian của Mỹ trong ba thập niên qua - là sai lầm!
Theo Giám đốc NASA Griffin, NASA đã đi sai đường kể từ thập niên 1970, khi cơ quan này chấm dứt sứ mệnh tàu thám hiểm mặt trăng Apollo để chú tâm phát triển tàu con thoi và trạm không gian quốc tế, vốn chỉ có thể bay quanh quỹ đạo Trái Đất. Theo Griffin, “giờ đây nhìn chung đã có thừa nhận rằng đó không phải là đường đi đúng. Chúng tôi đang cố thay đổi hướng đi này sao cho ít gây tổn thất nhất trong khả năng có thể”.
Kể từ khi bắt đầu phóng tàu con thoi năm 1982 đến nay, đã có tới 14 phi hành gia thiệt mạng. Chuyên gia về chính sách vũ trụ của Đại học Colorado Roger Pielke Jr ước tính NASA đã chi tới 150 tỉ USD cho chương trình tàu con thoi kể từ khi bắt đầu nghiên cứu năm 1971. Còn tổng chi phí cho trạm không gian, tính đến thời điểm hoàn tất là vào năm 2010 hay sau đó, có thể vượt hơn 100 tỉ USD, mặc dù có thể một số quốc gia sẽ cùng Mỹ sẻ chia chi phí.
Griffin cho rằng chỉ đến hiện nay, chương trình không gian của Mỹ mới trở lại đúng hướng, Tuần trước, Griffin đã tuyên bố mục tiêu của NASA là đưa phi hành gia trở lại mặt trăng 2018 trong những phi thuyền giống Apollo.
Chương trình đưa nước Mỹ trở lại mặt trăng đã được Tổng thống Bush đưa ra năm 2004, trước khi Griffin nhận chức Giám đốc NASA. Bush cũng khẳng định sẽ dẹp các tàu con thoi vào năm 2010. Tuy nhiên, cựu giám đốc các chương trình tàu vũ trụ có người lái của NASA những năm từ 1995 đến 2001 đã bảo vệ các chương trình này khi khẳng định chúng cung cấp các bài học về hoạt động trên vũ trụ.
Theo Trần Đức Thành
Tuổi trẻ/USA Today