1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nắng nóng kỷ lục trên 40 độ C "thiêu đốt" nhiều thành phố Trung Quốc

CTV

(Dân trí) - Các khu vực ở phía bắc và đông Trung Quốc đã hứng chịu đợt nắng nóng dữ dội vào ngày 3/8 với nhiệt độ tại một số vùng đạt mức cao kỷ lục.

Nắng nóng kỷ lục trên 40 độ C thiêu đốt nhiều thành phố Trung Quốc - 1

Nhiều thành phố Trung Quốc đang đối mặt với nắng nóng cực đoan (Ảnh: AFP).

AFP đưa tin, Trung Quốc đang phải chịu đựng một mùa hè nóng cực đoan với làn sóng nhiệt "thiêu đốt" các vùng phía bắc và phía đông nước này. Trong khi đó, những trận mưa như trút nước lại đang gây ra lũ lụt và lở đất ở khu vực miền trung và miền nam.

Theo các nhà khoa học, khí thải nhà kính ở Trung Quốc gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và cũng khiến thời tiết cực đoan trở nên thường xuyên và dữ dội hơn.

Cơ quan thời tiết cho biết, nhiệt độ tại thành phố Hàng Châu đã tăng lên 41,9 độ C vào khoảng 2h30 chiều 3/8. Con số này ở mức cao chưa từng có. Kỷ lục nhiệt độ trước đó là 41,8 độ C vào tháng 8/2022.

Thủ phủ Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang là nơi cư ngụ của 12,5 triệu người và nổi tiếng là một trung tâm công nghệ lớn. Những người dùng mạng xã hội bày tỏ sự mệt mỏi vì thời tiết ngột ngạt, bình luận rằng: "Tôi cảm thấy mình sắp tan chảy".

Tất cả 10 thành phố nóng nhất Trung Quốc vào đầu giờ chiều 3/8 đều nằm ở tỉnh Chiết Giang, trong đó thành phố Chư Kỵ ghi nhận nhiệt độ ban ngày ở mức 42,3 độ C, theo cơ quan thời tiết.

Cơ quan nói trên cũng cho biết nắng nóng dự kiến sẽ tiếp diễn tại khu vực này trong tuần tới. Hàng Châu cũng được dự đoán sẽ liên tục ghi nhận kỷ lục nhiệt độ mới.

Các cảnh báo thời tiết cực đoan vẫn duy trì tại nhiều thành phố phía đông vào ngày 3/8. Chính quyền tại đây kêu gọi người dân giảm thiểu hoạt động ngoài trời và phòng tránh sốc nhiệt.

Ở siêu đô thị Thượng Hải, nơi có dân số 25 triệu dân, nhiệt độ đã vượt 40 độ C vào đầu giờ chiều 3/8, gần chạm mức kỷ lục 40,9 độ C trước đó.

Trung Quốc đã cam kết sẽ đưa mức phát thải nhà kính bằng 0 vào năm 2060. Nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc từ lâu đã dựa vào năng lượng than để vận hành, tuy nhiên những năm gần đây, nước này đã nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Phương Ngân

Theo AFP